Search This Blog

Tuesday, June 6, 2023

Đàng Trong

 

1. Cho đến nay khái niệm Đàng Trong vẫn được hiểu là tên gọi vùng lãnh thổ do các Chúa Nguyễn cát cứ, từ năm 1600.
Xin bàn về nhận thức đã mặc định này.
Thứ nhất, là với chính quyền Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài. Họ khó có thể chấp nhận một khái niệm Đàng Trong – Đàng Ngoài, mang hàm ý coi chúa Nguyễn là kẻ chống đối ngang hàng.
Thứ hai, là về phía các chúa Nguyễn. Quê cha đất tổ của họ vẫn ở phía bắc, mặt khác các chúa Nguyễn vẫn nhận ở bên dưới nhà Lê, vậy thì không có lý do nào lại tự coi là Đàng Trong, mà chữ là 塘中 với nghĩa hiển nhiên chỉ trung tâm, trong sự đối lập với Đàng Ngoài, mang nghĩa là ngoại vi.
Tức là chúng ta cần phải tìm một lời giải thích cho sự hình thành cặp tên gọi Đàng Trong – Đàng Ngoài, mà hẳn phải có sẵn từ trước thời đại của các chúa Trịnh chúa Nguyễn, được hình thành trong một mối tương quan khác về tính chất.
Manh mối nào để tìm kiếm?
Thời gian gần đây tôi đã có những bài viết khám phá tiến trình lịch sử trên đất Việt Nam thời cổ. Theo đó thì có một triều đại xuất phát từ miền trong và từng cai quản cả miền ngoài. Triều đại này được sử Trung Quốc chép là 林邑 - Lin-yi, âm Việt là Lâm Ấp.
Tên 林邑 vốn là của quốc gia ở phía miền Bắc giai đoạn trước.
Cụ thể là đã có một nước Lâm Ấp tồn tại trên miền Bắc Bộ Việt Nam. Sau khi Mã Viện dẹp yên miền Lĩnh Nam, tức là Lưỡng Quảng, đã xâm chiếm nước Lâm Ấp vào năm 43. Khi nhà Hán bắt đầu sụp đổ thì người Lâm Ấp lấy lại độc lập, năm 193.
Một triều đình theo văn hóa Champa đã cai quản Lâm Ấp. Quốc gia Lâm Ấp thời kỳ này khá mạnh, từng nhiều lần tranh chấp vùng Lĩnh Nam, tức là phía Lưỡng Quảng, với các triều đình Trung Quốc trong thời kỳ Nam Bắc triều. Phía nam Lâm Ấp tiếp giáp với một đồng minh là nước Phù Nam. Vùng đất từ Đèo Cả trở về phía nam vốn là đất Phù Nam, rồi nhập vào nước hậu Lâm Ấp là Chiêm Thành ở thời điểm nào đó sau khi đế chế Phù Nam bị người Chân Lạp tiêu diệt vào thế kỷ 6.
Đến năm 605 nhà Tùy đánh Lâm Ấp. Khu vực bị xâm chiếm là miền núi phía đông bắc và miền đồng bằng ven biển kéo dài đến bờ bắc sông Cả.
Do triều đại Lâm Ấp này xuất phát từ phía nam, nên đã coi phía nam là trung tâm, tức là bên trong, phía bắc là miền ngoài. Tên gọi Đàng Trong và Đàng Ngoài hẳn phải xuất phát từ thời kỳ này.
Có thể nói thêm rằng cuộc chiến giữa Đại Việt và Chiêm Thành, quốc gia hậu Lâm Ấp, là một cuộc giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong. Cả trên phương diện tính chất mà lẫn trên phương diện danh nghĩa.
2. Triều đại Lâm Ấp và hệ thống từ Hán Việt
Từ Hán Việt, hay cũng có thể gọi là âm Hán Việt, là một hệ thống cách đọc các chữ Hán ở trên địa bàn nay là Việt Nam, phần lớn không theo cách đọc của người Hán.
Ngoài ra còn có thể một hệ thống chữ, chế từ chữ Hán, để ghi những khái niệm mà không thể biểu đạt được bằng vốn chữ Hán có sẵn. Người ta gọi đó là chữ Nôm.
Cho đến nay thì không ai đưa ra được chứng cứ là hệ thống từ Hán Việt và các chữ Nôm được khởi tạo từ lúc nào. Dường như bước vào thời mà người ta coi là thoát khỏi Bắc thuộc thì người Việt đã có sẵn để dùng vậy.
Âm NÔM cũng có nghĩa là NAM, theo phát âm của nhiều khu vực phía trong, bao gồm cả vùng Quảng Nam, trung tâm của Lâm Ấp. Mặt khác, tôi đã chỉ ra rất nhiều sự giống nhau giữa âm Champa, mà người Cham hiện nay còn lưu trữ, với âm Hán Việt khi chỉ cùng một khái niệm.
Có một tập hợp khá nhiều âm đọc chữ Hán khác nhau giữa hai miền Nam Bắc:
- hạp - hợp
- chánh - chính
- kiểng - cảnh
- san - sơn
- thới - thái
- bửu - bảo
- bổn - bản
- nhựt - nhật
- sanh - sinh
- tánh - tính
- lãnh - lĩnh
- thỉ - thủy
- huỳnh - hoàng
- phước - phúc
- cang - cương

Cánh giải thích phổ biến hiện nay rằng đó là do người dân phía nam kiêng các tên húy của nhà Nguyễn.
Theo cách này, người ta chỉ nêu ra được một số ít trường hợp. Thí dụ gọi là Huỳnh để tránh tên của Nguyễn Hoàng, gọi là Phước để tránh tên lót của họ Nguyễn Phúc…
Thực tế thì việc kỵ húy chủ yếu chỉ áp dụng trong văn viết. Trong lời nói hàng ngày, nếu không muốn dân chúng nhắc đến từ đó thì người ta chỉ có thể hạn chế bằng cách đổi chữ đi, chứ khó mà bắt dân chúng đồng loạt nói trệch đọc trệch được. Ví dụ nhà Trần bắt đổi từ chữ chỉ họ Lý là 李 ra chữ Nguyễn là 阮 khi muốn xóa họ Lý đi. Ngay ở phía bắc, nơi trải qua một thời gian chịu ảnh hưởng Nho giáo lâu hơn, thì cũng không phổ biến hiện tượng các phiên bản phái sinh do sự kỵ húy.
Nếu cho rằng người di cư từ phía bắc vào rồi tự phát âm khác đi như vậy thì cũng không có cơ sở.
Tức là những âm đọc chữ Hán đặc thù của phía nam hẳn đã tồn tại từ trước thời chúa Nguyễn.
Vậy thì có thể cho rằng chính triều đại Lâm Ấp này đã tiếp thu chữ Hán của nền văn minh Trung Quốc, và đặt âm cho chúng dựa trên âm bản địa.
Các âm Hán Việt ở phía nam thậm chí còn cổ hơn âm ở phía bắc. Nếu để ý bảng trên thì chúng ta có thể thấy rằng các từ phía Đàng Trong được phát âm dễ hơn, ít phải sử dụng việc uốn môi uốn lưỡi hơn, thì có thể giải thích rằng cách phát âm ở Đàng Ngoài là kết quả sự cầu kỳ dần theo thời gian, dưới ảnh hưởng lâu dài của các ngôn ngữ đơn âm tiết của các nhóm ngôn ngữ Tày - Thái và Hán ở phía bắc.
Champa là một chế độ chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Tuy nhiên với sự vươn dần ảnh hưởng của Trung Quốc xuống phía nam thì việc nhà nước chủ trương tiếp thu cả chữ Hán để kết nối làm ăn và học hỏi từ nền văn minh lớn này chẳng có gì lạ.
Bạn đọc có thể xem một số bài viết trước để hiểu rõ hơn;
- https://hoangcuongviet.wordpress.com/.../lan-nay.../...
- https://hoangcuongviet.wordpress.com/.../thu-xac-dinh-vi.../
- https://hoangcuongviet.wordpress.com/.../lam-ap-hoan.../...
- https://hoangcuongviet.wordpress.com/.../nhung-nhan.../...
- https://hoangcuongviet.wordpress.com/.../moi-lien-he.../...

Khảo cứu về họ Phan

 

Họ Phan ở Trung Quốc, chữ Hán là 潘, âm Trung Quốc là bō hoặc fān.
Theo sách Bách gia tính, được soạn từ thời nhà Tống và sau này còn được bổ sung nhiều, thì một hậu duệ của nhà Chu được ăn thái ấp ở đất 潘, rồi lấy tên ấp làm họ.
Sách này còn chép họ Bành là xuất xứ từ ông Bành Tổ, sống 800 năm. Một chi tiết chứng tỏ sự thiếu tin cậy. Thời điểm bắt đầu chép sách đã sau nhà Chu trên 1000 năm.
Họ Phan ở Việt Nam cũng có chữ Hán là 潘, nhưng không phát âm là bō
Những người theo thuyết nguồn gốc người Việt là từ phương Bắc có thể căn cứ trên sự giống nhau về văn tự để gắn các họ ở Việt Nam vào nguồn gốc Trung Quốc. Tuy nhiên thực tế không đơn giản như vậy.
Sau đây xin trình bày một số cơ sở.
1. Họ Phan của người Chiêm Thành
Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận một số nhân vật họ Phan gốc Chiêm Thành hoạt động trên đất Đại Việt:
- Phan Ma Lôi, trợ thủ đắc lực của Nguyễn Nộn, cuối thời Lý.
- Phan Mỗ, năm 1448 dẫn 340 hơn người sang hàng, được chia ra ở các đạo.
- Phan Ất, bè đảng của Trần Cung, con trai Trần Cảo.
Chiêm Thành là xứ sở chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ là chính, chứ không phải từ Trung Quốc, vì vậy không thể nói rằng các nhân vật trên có gốc gác từ Trung Quốc. Vậy tại sao lại có họ Phan?
Nếu để ý rằng họ có thể là thủ lĩnh của một nhóm người Chiêm Thành, và biết thêm rằng trong tiếng Chiêm thì thủ lĩnh được gọi là PO, mà âm này trùng với một âm của chữ Hán 潘 chỉ họ Phan thì chúng ta có thể lý giải rằng người ta mượn chữ Hán trùng âm để chép tên các vị PO MA LÔI, PO MỖ, PO ẤT. Tức là thực tế các nhân vật này không phải họ Phan.
Rồi con cháu của những vị thủ lĩnh như vậy sống trên đất Đại Việt lấy chữ đó, cùng với âm PHAN, làm họ.
2. Một bản phổ chí họ Phan, được viết lại vào năm 1806, dựa trên các truyền ngôn, ghi nhận tổ tiên là các vua Chiêm Thành (https://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/20705)
Bản phổ chí còn cho biết đến thời nhà Trần người Chiêm Thành còn làm chủ đến lộ Đà Giang, vùng núi phía tây bắc Việt Nam ngày nay. Sau đó một viên cố vấn người Trung Hoa là Trịnh Giác Mật giết con vua Chiêm Thành và đoạt lấy, rồi rút cục về tay nhà Trần của Đại Việt. Nội dung này không được chép trong sử Việt, nên ngày nay người ta không thừa nhận. Tuy nhiên một số bộ sử Trung Quốc có niên đại sớm hơn nhiều, như Tân Ngũ Đại Sử, Tống Sử cho biết Chiêm Thành phía tây giáp đến Vân Nam, đây là các chi tiết khó có thể bác bỏ. Vậy thì thời Lý Trần ranh giới Đại Việt và Chiêm Thành không hẳn tương ứng theo vĩ độ như sử của chúng ta vẫn chép, mà thực ra nước Chiêm Thành ở cả về phía tây và phía nam của Đại Việt, cuộc mở rộng của Đại Việt theo hai hướng chứ không phải chỉ mỗi hướng nam.
Bản phổ chí còn cho biết về cuộc sáp nhập Chiêm Thành vào Đại Việt ngay trước nguy cơ thôn tính của nhà Nguyên. Đối chiếu với các nguồn sử Việt Nam và Trung Quốc thì chúng ta có thể hình dung như sau:
Các vị tổ của tộc Phan này là thủ lĩnh của một tiểu quốc thuộc Chiêm Thành. Chiêm Thành là một quốc gia rộng lớn, mà theo ghi nhận trong Tống sử thì chiều dài tới 3.000 dặm, chiều ngang 700 dặm, tức là bề dài phải kéo từ phía Vân Nam đến ngang với Nam Trung Bộ Việt Nam, và bề ngang phải kéo từ bờ biển Việt Nam sang rất sâu bên nước Lào ngày này. Rất có thể vùng Bồn Man ở Trung Lào và vùng Champasak ở Nam Lào ngày nay cũng từng thuộc đất Champa. Chính thủ lĩnh tiểu quốc này, chứ không phải cả nước Chiêm Thành, đã nhập vào Đại Việt. Họ được làm thông gia với nhà Trần và được giao trấn giữ địa bàn cũ.
Vậy thì vùng sáp nhập phải nằm ở phía tây của miền Bắc Trung Bộ và có thể sang cả lãnh thổ nước Lào ngày nay.
3. Một số họ Phan ở Nghệ An
- Phan Quý Hựu coi giữ Nghệ An từ trước cuộc xâm lăng của nhà Minh, sau hàng Trương Phụ. Con là Phan Liêu được Trương Phụ cho làm tri phủ Nghệ An. Ngoài ra còn có anh họ Phan Liêu là Phan Kiệt được làm Đồng tri châu phủ Trấn Man, nay là đất Lào, ở về phía tây tỉnh Thanh Hóa. Chức Đồng tri châu thường được dành cho thổ quan, tức là người bản địa.
Sử Việt cho biết Phan Liêu từng cung cấp thông tin về quân của Trùng Quang Đế cho Trương Phụ, khiến cuộc khởi nghĩa bị dẹp. Năm 1419 Phan Liêu vì bất mãn với Mã Kỳ nên giết nhiều quan quân nhà Minh rồi chạy sang Ai Lao. Phan Kiệt trốn theo Phan Liêu nhưng không thoát, bị giết. Sau Phan Liêu bị Lê Thái Tổ giết vì tội từng hợp tác với Trương Phụ.
Theo bộ Minh sử thì Phan Liêu có phục vụ Lê Lợi sau khi bỏ quân Minh. Quyển 321 – phần An Nam, cho biết trong khoảng năm 1423 đến 1425 Lê Lợi sai Phan Liêu và Lộ Văn Luật đến các châu Gia Hưng, Quảng Oai [tức là miền đất rộng lớn phía tây Thăng Long] chiêu tập đồ chúng, thanh thế ngày càng lan xa.
Như vậy thì Phan Liêu và Lộ Văn Luật thực ra có vai trò rất lớn trong thành công của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, nhờ ảnh hưởng của họ trong một khối dân chúng. Sở dĩ sử không chép công của hai nhân vật này mà chỉ chép tội là để cho việc bắt tội được hợp lý. Sở dĩ họ bị xử vì tội cũ, là do chính sách tập trung quyền lực về trung ương dưới thời nhà Lê, mà những thủ lĩnh có hậu thuẫn mạnh ở địa phương là một cản trở trực tiếp hoặc là mối nguy cơ tiềm ẩn. Các nhân vật như Bế Khắc Thiệu, Nông Đắc Thái, Đèo Cát Hãn cũng là nhưng trường hợp tương tự.
Rất có thể nhóm họ Phan này cũng là con cháu quý tộc Chiêm Thành.
- Gia phả dòng họ Phan của Thám hoa Phan Kính (thế kỷ 18) ở Can Lộc, Hà Tĩnh chép: “Con cháu ta là dòng dõi thủ lĩnh Nghệ An trại chủ, quan Nội hầu thuộc triều Trần, tỉnh Nghệ An” (1). Tên của vị trại chủ không được nêu, không biết có liên quan gì đến gia tộc Phan Quý Hựu hay không?
- Gia phả của dòng họ Phan Huy, trong đó có nhiều nhân vật rất nổi tiếng, ghi nhận tổ tiên thuộc ty Giáo phường [tức là một tổ chức hát ca trù, hát cửa đình] (2). Vị đầu tiên được chép trong phả là một nhân vật được phụng chỉ coi viêc Giáo phường làm phân trưởng cửa đình ở huyện, dưới thời Lê Thánh Tông. Vị này được gọi là Ông Trằm, tên thật không được chép.
Lý giải cho cái tên Ông Trằm, phả cho biết do lúc đó mới nhập tịch vào phía tây xứ Trầm Vịt, thôn Chi Bông, xã Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc. Từ việc không chép tên thật đến việc gán tên vị nhạc công vào với xứ Trầm Vịt, có vẻ hơi khiên cưỡng, tôi cho rằng có thể có một cách giải thích khác. Vị này là một quý tộc Chiêm Thành, đã bị bắt hoặc theo về Đại Việt, vì thế được gọi là ông Chàm, mà người ta chép trệch là Trằm. Những quý tộc Chiêm Thành là bậc thầy của Đại Việt về âm nhạc và nghệ thuật nói chung, do đó họ vẫn được sử dụng.
Tạm kết luận
Không thể lấy chữ 潘trùng nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà cũng có thể mở rộng ra cho các họ khác, để cho rằng họ cùng một nguồn gốc. Rất có khả năng nhiều nhóm họ Phan ở Việt Nam có nguồn gốc từ quý tộc Chiêm Thành.
Bài viết của tôi dựa trên những tài liệu được xuất bản chính thức, tức là tôi được quyền nghiên cứu và nêu ra giả thiết. Tuy nhiên tôi hiểu rằng với người Việt ngày nay thì nghiên cứu về dòng họ là một vấn đề nhạy cảm. Nói điều này để các bạn có tham gia bình luận thì vui lòng để ý.
Chú thích:
1. Nội dung này được trích từ cuốn Phan Công Gia Phả, Nxb Thế Giới, 2006, trang 13
2. Phan Công Gia Phả, sđd, tr33,34

Tản mạn về ngôn ngữ

 

Bài viết này bàn về một số điểm liên quan đến chữ Hán và từ Hán Việt.
Trước hết xin đề cập về các khái niệm Từ và Tự, được định nghĩa trong một số sách vở.
Từ, là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa hoàn chỉnh và cấu tạo ổn định, dùng để đặt câu.
Tự là âm Hán Việt của chữ Hán 字, chỉ chữ viết. Âm Hán Quan Thoại/Quảng Đông của chữ này là zì/zi. Với chữ Hán thì mỗi Tự thường biểu diễn một Từ.
Như yậy, Từ là cái có trước, xuất hiện từ khi con người có lời ăn tiếng nói, còn Tự hay Chữ là cái có sau.
Chữ Hán là dạng chữ tượng hình, không có tính biểu âm, do đó mỗi chữ có thể có nhiều cách phát âm khác hẳn nhau, tùy theo khu vực, mặc dù cùng biểu đạt một nội dung. Nói cách khác là Tự hay Chữ thì chung mà Từ thì không nhất thiết chung. Ví dụ chữ 車, chỉ cái xe, âm Quan Thoại là chē hoặc jū , âm Quảng Đông là ce hoặc geoi, âm Hán Việt là xa.
Nhiều ý kiến cho rằng loại âm mà được gọi là Hán Việt là một thứ âm Hán cổ, du nhập vào Việt Nam, nay đã không còn được dùng ở Trung Quốc nữa.
Cách lập luận này có vấn đề ở chỗ là sẽ phải công nhận rằng ngôn ngữ Trung Quốc hiện nay đã bỏ mất rất nhiều âm cổ.
Để minh họa, tôi xin trích một ý kiến như sau: “Một ngôn ngữ phân biệt bằng âm thanh, hình thái, và ý nghĩa. Về âm, Việt Nho gần giống nhưng phong phú hơn Quan-thoại nhiều. Âm Bắc-kinh chỉ có 400 (theo hệ thống phiên âm Wade−Giles), trong khi Việt Nho có cả hàng ngàn. Việt Nho trung thực và bảo tồn được chữ Nho với âm thái cổ trong khi giọng Bắc-kinh mất những ngữ vị đầu và cuối như B−, D−, G−, R−, TR−, V−, và −CH, −K, −M, −P, −T (Y.R. Chao mục “Chinese Language” trong Encyclopedia Britannica, 1965). Về thanh, Việt Nho hơn hẳn tứ thanh của Quan thoại vì có tới 8 thanh”. (Bài: Khảo cứu ngắn về chữ viết Việt. Tác giả: Đào Mông Nam & Nguyễn Tiến Văn)
Chúng ta đều biết rằng dân tộc Trung Hoa là một dân tộc lớn, xét trên cả quy mô dân số cũng như bề dày văn hóa. Họ đồng hóa luôn cả những lực lượng ngoại lai đến đô hộ. Vì vậy có thể khẳng định là không có yếu tố nào có thể làm cho ngôn ngữ của họ biến dạng đến mức như vậy được.
Tức là phải xem xét lại quan niệm xếp tập hợp từ Hán Việt vào tập hợp con của ngôn ngữ Trung Hoa, dù là Trung Hoa cổ.
Trường hợp từ Xa, biểu thị âm của chữ 車 (zì/zi), không thể mặc nhiên coi đó là một từ gốc Hán, rồi người Việt đọc trệch dần thành Xe, như cách giải thích rất phổ biến cho đến ngày nay.
Chúng ta thử tìm hiểu nguồn từ Xa (xe), theo hướng khác.
Có lẽ khi muốn phổ chữ 車 và âm Xa thì hẳn người ta sẽ kèm theo đó hình minh họa của một cái xe ngựa, vì ngày xưa ngựa là hình ảnh liên quan gần nhất đến cái xe.
Tên con ngựa, theo âm Khmer là seh (chữ là សេះ), theo âm Chàm là asaih. Có thể thấy rằng hai âm này khá gần nhau, tức là xuất phát từ một gốc chung khá gần. Mà âm Khmer và âm Chàm cũng có mối liên hệ rất gần với ngôn ngữ Việt ngày nay. Một điểm nữa là trong ngôn ngữ của dân vùng Khu 5 thì các từ sa, xa, se, xe được phát âm khá gần nhau và gần với âm của Khmer và Chàm, tức là họ nói các từ này theo âm cổ hơn so với âm Viêt phổ thông ngày nay. Tóm lại, chúng ta có cơ sở để cho rằng các từ Xa và Xe vốn có xuất phát là để chỉ con ngựa, rồi qua quá trình biến đổi tiếng Việt đã phân hóa và kết hợp từ mà thành các âm khác nhau và chỉ cái xe ngựa, rồi thành các loại xe nói chung.
Xin nói rõ thêm về nhận định trên, tôi đã kiếm chứng được rất nhiều trường hợp có liên hệ rõ ràng giữa âm Việt và Chàm, cũng như giữa âm Hán Việt và âm Chàm, chứ không phải âm Hán, khi chỉ cùng khái niệm, tức là có chung chữ Hán. Bảng kết quả sẽ được công bố sau. Bạn đọc có thể tạm xem bài viết:
https://hoangcuongviet.wordpress.com/.../moi-lien-he.../...
Xin nêu thêm ở đây một vài trường hợp.
Trong tiếng Chàm, tức là một thứ tiếng trên dải đất chữ S mà người Chàm đang lưu giữ, thì có các từ là hachan – nghĩa là mưa, và hakoh/hatua – nghĩa là khô, cạn. Tức là các âm này có liên quan đến khái niệm nước. Tôi tra cứu thêm thì thấy trên Wikipedia có các thông tin như sau:
• Sông Hà Ra (Thạnh Mỹ), phụ lưu của Đắk Mi hay sông Vu Gia, chảy ở huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam.
• Sông Hà Ra (Nha Trang) tỉnh Khánh Hòa
• Cửa Hà Ra, cửa sông ở xã Mỹ Đức, Phù Mỹ tỉnh Bình Định.
Ngoài ra, sông Côn, một con sông lớn ở Bình Định cũng có đoạn được gọi là sông Hà Giao hay Hà Rêu.
Một bạn cho biết ở Quảng Bình cũng có sông (chi nhánh của sông Nhật Lệ) mà tên các địa danh từ đầu đến cuối đều mang tên Hà.
Chúng ta cũng có thể thấy sự liên hệ gần về âm và nghĩa giữa ngôn ngữ Chàm và Việt như sau: hachan (mưa) – chan (chan nước); hakoh (khô) – khô (khô cạn); hatua (khô, cạn) – tủa (tủa – một từ dân gian được sử dụng để tạo ra từ kết tủa, khái niệm chỉ phản ứng hóa học mà vật chất chuyển từ trạng thái lỏng sang trạng thái rắn)
Bây giờ chúng ta thử xét đến một số từ Hán Việt có nghĩa liên quan đến nước, tức là liên quan đến hà, hachan, hakoh, hatua
- Can, Cán (khô, cạn kiệt). Chữ và âm Hán là 干 gan/gon
- Hà (sông). 渴 hé/ho
- Tuyết (tuyết). 雪 xue/syut
Có thể thấy rằng ở trường hợp thứ nhất thì âm C là bản địa chứ hoàn toàn không phải âm Hán. Tương tự là âm À ở trường hợp thứ hai và âm T ở trường hợp thứ ba.
Một ví dụ nữa là từ hatah (nghĩa là tỏ, tinh mắt), trọng âm ở âm tiết thứ hai. Thực tế thì người Khu 5 phát âm chỉ khái niệm này khá giống âm Chàm, họ nói gần với Tah hơn là Tỏ.
Chúng ta thử xét một số từ Hán Việt liên quan:
- Tinh, Tình (tròng mắt). 睛 jing
- Tinh (sáng sủa). 晶 jing
- Tường (rõ). 詳 xiáng/coeng
- Tiêu (đêm, nhỏ bé). 宵 xiao/siu
- Tiêu (mốc, dấu hiệu). 梢 shāo/saau
Các chữ mà khi phát âm có phụ âm đầu rất khác biệt trong ngôn ngữ Trung Hoa đã được chuyển sang âm Việt đều có âm T ở đầu, giống với âm T trong hatah.
Trường hợp từ pateh (nghĩa là lụa). Chúng ta thử xem xét một số từ Hán Việt liên quan:
- Tác (dây tơ). 索 suo/saak - Tàm (con tằm). 蚕 cán, tiăn/căm
- Ty (sợi tơ). 丝 si/si
- Tảo (ươm tơ). 繅 sao/sou
- Tang (cây dâu). 桑 sāng/song
- Tiêu (lụa dệt bằng tơ sống). 綃 shāo/siu
- Tuần (dây tơ tròn nhỏ). 紃 xún /ceon
- Tệ (vải lụa). 币 bì/bai
Trường hợp từ tian (nghĩa là tâm, tấm lòng)
- Tâm (trái tim, tình cảm). 心 xin, sam
- Tình (tình cảm). 情 qíng/cing
- Tư (thương nhớ). 思 sai/si
- Ta (cảm thương, thương xót). 嗟 jiē/ze
- Tuất (thương xót, thương hại). 恤 xù/seot
Qua trình bày trên có thể nói rằng có sự mượn âm Hán để tạo ra các âm Hán Việt nhưng không phải tất cả đều như vậy. Tức là đó không phải là nguyên tắc bắt buộc, và không thể gọi là bắt chước. Do đó cách gọi hệ thống từ mà chúng ta gán với các chữ Hán là từ Hán Việt là không hẳn chính xác. Việc gọi đó là từ gốc Hán lại càng sai.
Ở khía cạnh khác, chúng ta có thể thấy được ảnh hưởng rõ ràng của âm bản địa cổ, mà người Chàm đang lưu giữ, lên sự hình thành âm Hán Việt là rõ ràng. Có thể coi đó là là yếu tố chủ đạo chi phối việc đặt âm Hán Việt. Sở dĩ người ta cứ gán âm Hán Việt vào gốc Hán, ngoài yếu tố ngộ nhận lịch sử thì vì chúng có liên hệ không ít về phương diện phát âm. Xin thử nêu ra một số lý do. Thứ nhất là chúng cùng có tính chất đơn âm tiết. Thứ hai là nhiều từ phát âm giống nhau do khái niệm đó vốn chỉ có ở Trung Quốc nên người bản địa phải vay mượn cả chữ và âm. Thứ ba là người ta đã có ý thức tạo ra sự kết hợp âm bản địa và âm Hán để tạo ra âm Hán Việt, mà mục đích là tạo ra sự liên tưởng để cho người học dễ nhớ, đồng thời đó cũng là một quy tắc để tạo từ.
Nhận thức này không chỉ giúp chúng ta xét lại về ngôn ngữ dân tộc mà còn giúp chúng ta có cơ sở để khám phá về lịch sử dân tộc.