Search This Blog

Wednesday, July 20, 2022

Vấn đề của quan niệm lấy phương bắc làm nơi khởi nguồn của dân tộc

 Các sách lịch sử của Việt Nam trước đây vẫn chép rằng nhà Tần bắt đầu xâm chiếm Lĩnh Nam từ năm 217TCN, sau đó lập thành ba quận là Nam Hải, Quế Lâm và Tượng quận, tương ứng với Quảng Đông, Quảng Tây và Việt Nam về sau. Lại đưa 50 vạn người xuống định cư.

Năm 1916, Henry Maspero, một học giả người Pháp chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và Việt Nam, đã có bài viết “la commanderie de Siang” trên tập san của Viện Viễn Đông Bác Cổ (BEFEO). Ông dựa vào nhiều chứng cứ để xác định lại vị trí của Tượng quận. Theo đó thì Tượng quận ở phía Quảng Tây Trung Quốc. Tức là cả vùng đất Lĩnh Nam mà nhà Tần chiếm được đều ở bên Lưỡng Quảng chứ không hề sang tới Việt Nam. Ông cũng chỉ ra rằng khởi nguồn của nhận thức sai lầm về Tượng quận suốt nhiều thế kỷ là từ chủ ý của Đỗ Hựu, một chính trị gia kiêm sử gia thời nhà Đường. Ngày nay thì những kết quả của Henry Maspero đã được chứng tỏ là đúng. Ở Trung Quốc, giới sử học đã chính thức nhìn nhận lại về Tượng quận. Ở Việt Nam, các sách giáo trình lịch sử đã lặng lẽ bỏ nội dung nêu trên.

Đương thời, ý kiến của Henry Maspero không được các học giả Việt Nam tiếp thu tích cực. Nguyễn Văn Tố, một học giả nổi tiếng đương thời, có một bài phản luận, tuy đầy cố gắng nhưng kém thuyết phục (1). Trần Trọng Kim, tác giả bộ sách Việt Nam sử lược có nhiều ảnh hưởng, không hề tiếp thu sửa chữa gì. Sách vở của các tác giả khác hầu như vẫn giữ quan điểm cũ. Điều đó phản ánh sự bảo thủ cố chấp, thiếu dũng cảm, thiếu tinh thần khoa học của tầng lớp trí thức Việt Nam nói chung.

Con số 50 vạn người xuống Lĩnh Nam từ thời Tần Thủy Hoàng hẳn đã góp phần tạo ra định kiến về nguồn gốc của người Việt Nam. Tôi đã không ít lần được biết đến những thảo luận như thế.

Sau đây, xin lấy một số dẫn chứng từ các cuốn sách lịch sử.

Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim viết: "Dẫu người mình thuộc chủng loại nào mặc lòng, về sau người Tàu sang cai trị hàng hơn một nghìn năm, lại có khi đem sang nước ta hơn bốn mươi vạn binh, thì chắc là nòi giống cũ của mình cũng đã lai đi nhiều rồi, mới thành ra người Việt-Nam ngày nay" (2).

Như vậy, một trong hai cơ sở để Trần Trọng Kim nhận định người Việt Nam lai Tàu hẳn là việc Tần Thủy Hoàng chuyển 50 vạn người xuống phương nam, mà có lẽ ông đã tự trừ hao đi mười vạn ở Nam Hải và Quế Lâm. Như thảo luận ở phần trên, cơ sở này đã bị bác bỏ.

Nếu xem xét thêm những tác giả khác, viết trong thời cận đại, thì có thể coi Trần Trọng Kim là đã có ý nói giảm nói tránh.

Hoàng Cao Khải, sách Việt sử yếu, sau khi đưa một số ý kiến và lập luận riêng của mình, đã chốt lại: "Do đó, chúng ta biết được dân tộc Việt Nam nguyên là Hán tộc, không còn nghi ngờ gì nữa" (3)

Nguyễn Thông, sách Việt sử thông giám cương mục khảo lược, chép: "Khi nhà Tần mở mang đất Ngũ Lĩnh, nhà Hán đặt thú lệnh, qua Đường đến Tống có hơn nghìn năm […] Đây là khí đất từ Bắc sang Nam, giống này lớn lên thì giống kia tiêu diệt, cũng là cái vận tự nhiên đấy. Thế thì nước Việt ta, đất dù là nước cũ của Hùng Lạc, mà người là dòng dõi khăn đai, từ lâu lắm rồi" (4).

Đại Nam thực lục, bộ chính sử lớn thời nhà Nguyễn, gọi thẳng dân ta là Hán nhân ( 漢人)

Đại Việt sử ký toàn thư, bộ chính sử thời nhà Lê, là bộ sử đầu tiên chép về Kỷ Hồng Bàng Thị. Theo đó, vua Hùng và những người anh em cùng tạo ra dòng giống Việt là hậu duệ của Viêm đế Thần nông của Trung Hoa. Dòng ngoại là người phương nam, nhưng phương nam đó ở hồ Động Đình, phía bắc Ngũ Lĩnh, cách nước ta rất xa.

Những mặc nhận trong sử sách tạo nên, và có khoảng cách không xa, so với diễn đạt nôm na từng khá phổ biến trong xã hội, rằng ta là Tàu, hay thậm chí là Tàu dạt.

Yếu tố nguồn gốc dòng giống thường bị lợi dụng để phục vụ các mục đích chính trị, đặc biệt là trong các xã hội còn nặng ảnh hưởng của Nho giáo như xã hội ta. Đó là một thực tế không thể phủ nhận và không nên né tránh.

Tôi vừa nói đến nhận thức sai lầm về Tượng quận. Bây giờ xin thảo luận về định kiến Nghìn năm Bắc thuộc, một cơ sở khác cũng chi phối nhận thức của người Việt về vấn đề nguồn gốc, như đã nêu trường hợpTrần Trọng Kim.

Sử sách của các triều đình Trung Quốc từ thời nhà Đường trở về sau thường gán Giao Chỉ đời trước vào An Nam, tức là coi An Nam vốn là vùng đất của người Lạc Việt. Sử sách ở Việt Nam, ra đời muộn hơn, dựa rất nhiều trên những nguồn tư liệu này.

Tuy nhiên có nhiều tài liệu cá nhân đã ghi nhận khác.

Khuất Đại Quân, một học giả người Quảng Đông, từng được xếp vào Lĩnh Nam tam đại gia, được Lê Quý Đôn trích rất nhiều, chẳng hạn Vân Đài loại ngữ, quyển 3 - Khu vũ ngữ - điều 48 và 72 có các đoạn như sau: "Ta xem mạch núi Giao Chỉ phát từ Quý Châu mà Quý Châu là miền cuối các sông, núi ở đó đều từ Ba Thục chạy tới; đại khái long mạch chạy qua như muôn vàn đợt sóng, nhảy nhót không ngừng, thẳng đến Giao Châu mới kết thành đất nước. Vân Nam là cửa sau, Quảng Tây là cửa trước, mà cõi đông là Quảng Châu và Khâm Châu...", "Vậy thời Giao Chỉ ở về phía hữu Quảng Đông, mạch Vân Nam, Quý Châu phát ở đó, đủ biết Giao Chỉ là thượng du, cho nên các con ngọn sông ở Quảng Tây đều phát nguyên ở Giao Chỉ, xuống Thương Ngô, rồi chảy ra biển Nam Hải". Theo dấu hiệu địa lý này thì Giao Chỉ ở phía Lưỡng Quảng chứ không thể là Việt Nam được. Lại chép: "Đất Giao Chỉ có 17 quận, 49 châu, 157 huyện. Mỗi năm nộp thóc cho quan tư nông hơn một nghìn ba trăm sáu mươi vạn hộc. Tính ra tất cả thuế các châu Mân, Quảng, Điền, Kiềm cũng không bằng". Như vậy, có một xứ Giao Chỉ, cùng với Mân, Quảng, Điền, Kiềm, tất cả phải là những địa phương của Trung Quốc chứ không thể là ngoại quốc được. Theo cách xác định này thì có thể hiểu là Kiềm và Giao Chỉ chia nhau hai phần của Quảng Tây.

Cố Viêm Vũ, một học giả nổi tiếng đời Thanh viết trong sách Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư rằng người Choang là người Việt xưa. Người Choang tập trung ở Quảng Tây. Nhận xét này phù hợp với nhận thức của Khuất Đại Quân về địa bàn Giao Chỉ.

Thực tế ở Lưỡng Quảng từng có khá nhiều đền thờ Trưng Vương. Nguyễn Thiên Túng, một vị văn quan cùng thời với Nguyễn Trãi, có đề bài thơ “Đề Khâm Châu Trưng nữ tướng” miếu khi đi sứ ngang qua Hợp Phố.

Đại Việt sử ký toàn thư cũng có chép ở phần đầu Kỷ thuộc Đông Hán là: Thổ nhân ai mộ Trưng Nữ Vương lập từ phụng sự chi [Từ tại Phúc Lộc huyện, Hát Giang xã, Phiên Ngung cựu địa thành diệc hữu chi], tức là: Thổ nhân thương mến Trưng nữ Vương, làm đền thờ (đền ở xã Hát Giang, huyện Phúc Lộc, ở đất cũ thành Phiên Ngung cũng có đền).

Ngoài ra ở Hoành Châu, thuộc khu Nam Ninh đã có đền thờ Mã Viện từ lâu đời, của người Hán lập để ghi công Mã Viện bình định Giao Chỉ. Lê Quý Đôn trên đường đi sứ về có ghé viếng và chép lại cụ thể trong tác phẩm Bắc sứ thông lục.

Nếu theo quan điểm Giao Chỉ là An Nam, thành Liên Lâu trên đất Giao Chỉ từng là thủ phủ của toàn cõi Lĩnh Nam thì lộ rõ một điều vô lý. Nhà cầm quyền phương bắc không thể nào đặt một trị sở xuống tận phía này để quản lý Lưỡng Quảng, một khu vực vừa lớn hơn lại gần hơn rất nhiều. Nếu Giao Chỉ ở khu vực Quảng Tây, như xác định của Khuất Đại Quân, thì lại hợp lý.

Các sử liệu Trung Quốc trước thời Đường thì để lộ những mâu thuẫn về vị trí địa lý

Tôi đã có một bài phân tích Thử xác định vị trí một số quận huyện trên đất Lĩnh Nam thời Hán; Tìm khu vực trống đồng; Tìm kiếm căn nguyên của một số ngộ nhận lịch sử.

Bài viết chỉ ra rằng các quận huyện của Giao Châu chủ yếu ở bên phía Lưỡng Quảng. Xem bản đồ:

Bài viết cũng chỉ ra rằng người sửa chữa hệ thống sách vở để gây nên sự ngộ nhận Giao Chỉ ở An Nam cũng chính là Đỗ Hựu.

Ông ta không chỉ mạo gán Tượng quận với Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam mà còn mạo gán cả ba quận này, tức là Giao Châu, xuống phía Việt Nam. Như vậy, sử sách về sau đã nhầm lẫn, lấy lịch sử Giao Châu ở Lưỡng Quảng gán thành lịch sử xảy ra trên địa bàn Việt Nam. Phía nam của Giao Châu là nước Lâm Ấp, lại chính trên địa bàn nước ta.

Nước Lâm Ấp bị chiếm đóng từ sau khi Mã Viện đánh dẹp Giao Chỉ. Đến cuối đời Hán thì dành độc lập. Lâm Ấp tồn tại qua giai đoạn Lục triều ở Trung Quốc, đến năm 604-605 lại bị nhà Tùy chiếm đóng, nhà Đường tiếp tục cai trị ở vùng chủ yếu là đồng bằng. Khu vực miền núi từ phía Tây Bắc kéo dài xuống phía nam tồn tại độc lập, dưới tên mới là Hoàn Vương rồi Chiêm Thành.

Rất có thể hệ thống từ Hán Việt mà ngày nay chúng ta rất quen thuộc chính là sản phẩm của chính sách tiếp thu có tính chủ động của triều đại Lâm Ấp trong giai đoạn tự chủ. Sự chủ động này tương tự như ở Triều Tiên và Nhật Bản, nếu trong hoàn cảnh bị đô hộ thì không thể xảy ra. Một điểm nữa là người ta đã phát hiện ra rất nhiều mảnh khuôn đúc trống đồng có niên đại tương ứng với thời Lục triều của Trung Quốc, ở khu vực Bắc Ninh, chứng tỏ khu vực bản địa thời kỳ này có sự tự do sản xuất trống đồng, khó có thể là nơi trị sở của chế độ cai trị phương bắc. Một điểm nữa, là ngay cả hệ thống rất nhiều mộ gạch ở miền bắc, mà người ta vẫn coi là mộ Hán, thì vẫn có những đặc điểm riêng chứ không hoàn toàn giống mộ Hán. Trong số đó lại có những ngôi mộ rất lớn, phải là của những nhân vật rất đặc biệt trong xã hội, không thể là của thường dân hoặc của quan lại nhỏ Trung Quốc sang.

Vùng Đông Nam Á đã chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ trước khi người Trung Quốc tiến xuống phía nam. Tiếng Sankrrt và tiếng Pali, tức là Bắc Phạn và Nam Phạn, đã được biết là sớm phổ biến ở Đông Nam Á.

Chữ viết chính thức của Lâm Ấp là chữ Hồ, tức là chữ Phạn, như ghi nhận trong bộ Tấn thư của Trung Quốc.

Các vua Lâm Ấp được gọi là Phạm Hùng. Phạm/ Phạn (梵) có thể là chữ phiên âm của chữ saṃskṛtā trong tiếng Sanskrt, nghĩa là thuộc về cõi trên. Hùng ( 雄), theo một giả thuyết của Trần Quốc Vượng, có thể là biến âm từ chữ Guru trong tiếng Pali, một nhánh khác của tiếng Phạn, có nghĩa là bậc đạo sư. Nói tóm lại, Phạm Hùng không phải là họ tên theo người Hán mà là phiên âm Hán của nhân vật có thể là thủ lĩnh tối cao trong mô hình Mandala của Lâm Ấp. Chúng ta cũng có thể để ý rằng cách gọi tên vua Hùng thứ nhất,..., thứ 18, là theo văn hóa của khối Ấn Độ chứ không phải theo Trung Quốc. Tùy thư cho biết triều đại này tồn tại 18 đời trước khi bị nhà Tùy diệt.

Thời Hùng Vương cũng từng được người Trung Quốc thời Đường ghi nhận. Trong bài thơ Biệt Lý Minh Phủ của Hàn Hồng, thời nhà Đương, mà nhà nghiên cứu Phan Anh Dũng sưu tầm được có câu: “Xuất nhập châu cung dẫn tiêu cổ/ Túy vũ Hung Vương đồi mồi sàng” có nghĩa là: Ra vào cung ngọc châu có kèn trống đưa dẫn/ Khi say nhảy lên giường đồi mồi của Hùng Vương mà múa. Rõ ràng thời Hùng Vương không thể cách đó cả nghìn năm.

Mặc dù sự tồn tại của dân tộc Văn Lang vẫn được ghi nhận trong Lâm Ấp ký, được Thủy Kinh chú chép lại (5), hoặc các sách Thông điển của Đỗ Hựu và Thái Binh hoàn vũ của Nhạc Sử đều có nhắc đến Phong Châu của người Văn Lang, thế nhưng huyền sử Hồng Bàng thị lại là câu chuyện được sử gia chắp vá từ ý tưởng của chuyện Liễu Nghị, được sáng tác thời nhà Đường, thành Kinh Dương Vương, như Ngô Sĩ Liên ngầm thừa nhận (6). Lại gán các Lạc Vương ở Lĩnh Nam thành Hùng Vương ở nước ta. Một câu chuyện vô lý về mọi mặt.

Như vậy, lịch sử xảy ra trên đất nước chúng ta từ cuối thiên niên kỉ thứ nhất trở về trước đã bị nhận thức sai lầm. Cả hai yếu tố quyết định đến việc nhìn nhận nguồn gốc người Việt, là vị trí Tượng quận và khái niệm nghìn năm Bắc thuộc đều bị ngộ nhận. Thực tế, các ngành khoa học mới như Sinh học di truyền, ngôn ngữ học, khảo cổ học... đã cùng chỉ ra những khác biệt giữa hai dân tộc. Khoảng cách đó đủ xa để coi việc nhìn nhận chúng ta là người Hán là một sự ngộ nhận. Sự ngộ nhận này vẫn tồn tại ở nhiều tầng lớp và khó có thể coi là vấn đề nhỏ.

Mặc dù thực tế vẫn có một số dòng họ ở Việt Nam có một cụ tổ từ bên Trung Quốc sang nhưng qua nhiều thế hệ con cháu đã là người Việt Nam chứ không phải người Hán, xét trên mọi yếu tố. Một số trường hợp khác, có thể do ngộ nhận rằng người Việt Nam là người Hán nên những người soạn gia phả, thường là không quá xa thời đại ngày nay, nhận bừa tổ tiên là một nhân vật nổi tiếng của Trung Quốc có liên quan đến phương nam, vì cùng họ. Thực tế, tên gọi các họ ở Việt Nam ban đầu có thể chỉ là do nhà cai trị quyết định, gán vào những cá nhân để tiện quản lý.


Chúng ta có nên nhìn nhận lại lịch sử?

Tôi cho rằng con người càng tiến vào thời đại văn minh khoa học thì càng khó chấp nhận những sự phi lý. Do đó động cơ đi tìm sự thật của cộng đồng sẽ ngày càng mạnh mẽ, không thể ngăn cản được. Các vấn đề sử học này không còn chủ yếu dành riêng cho các triều đình hai bên, mà đã được đại chúng hóa, quốc tế hóa. Cộng với những thành tựu khoa học trong mọi lĩnh vực, thì những bí ẩn và dối trá sẽ dần dần bị phơi bày công khai, khó mà che dấu.

Có thể đó là lý do mà người Trung Quốc nhìn nhận lại về Tượng quận, theo hướng phủ nhận Tượng quận ở Việt Nam. Những năm gần đây họ đang có xu hướng ủng hộ cộng đồng người Choang ở Quảng Tây nhìn nhận lại tổ tiên Lạc Việt. Như vậy là đã hình thành một sự tranh chấp về tổ tiên giữa người Choang ở Quảng Tây và người Việt Nam.

Rất có thể các triều đình Trung Quốc chưa bao giờ mất ý thức về sự thật lịch sử trong vấn đề này. Các tài liệu cổ sử quan trọng về khu vực Lĩnh Nam có thể vẫn còn, mà họ giấu biệt đi. Vùng Quảng Tây vốn rất mờ nhạt trong lịch sử, là vì lịch sử của nó đã bị lấy để gán vào phía Việt Nam. Tuy vậy chứng cứ phản bác cách gán ghép đó không hề thiếu, ngay trong các tài liệu công khai, chỉ là chúng ta không muốn nhìn nhận. Họ vẫn nắm lợi thế cả về chứng cứ lẫn tính logic của vấn đề. Tóm lại, với cuộc tranh chấp về tổ tiên này thì người Việt Nam kém hẳn lý lẽ.

Người Trung Quốc đã nhìn xa và họ sẽ lại có ưu thế trong cuộc chiến biến chúng ta thành một cộng đồng mơ hồ về nguồn gốc nếu chúng ta không đủ can đảm để xét lại lịch sử, nhìn nhận sự thật trên chính địa bàn của mình.

Sự mơ hồ lại là môi trường tốt cho một thuyết gây được khá nhiều ảnh hưởng gần đây, đó là người Kinh ở đồng bằng Bắc Bộ vốn là người từ Trung Quốc đến, chủ yếu từ thời Tùy Đường trở về sau, trước đó vùng đất này còn lầy lội, người bản địa rất ít. Việc mở rộng liên tục của đồng bằng Bắc Bộ đã được coi là cơ sở để nói rằng trước đây vài ngàn năm thì vùng đất này hầu như chưa có gì. Điều này đã được chứng minh là hoàn toàn không đúng.

Chứng minh căn cước của dân tộc không chỉ giúp cho dân chúng trong nước tự tin hơn, bên ngoài rõ hơn, mà còn bác bỏ cách tuyên truyền, cách phát ngôn của người Trung Quốc khi họ kêu gọi chúng ta "lãng tử hồi đầu", nghĩa là đứa con lang thang hãy quay về. Một quốc gia độc lập và phát triển thì luôn cần sự tôn trọng của những quốc gia khác.


Chú thích:

  1. Nguyễn Văn Tố, Đại Nam dật sử & Sử ta so với sử Tàu, nxb Khoa học xã hội, 2019, trang 377-388
  2. Trần Trọng Kim, 1919, Việt Nam sử lược, phần mở đầu: Nước Việt Nam, mục 5: Gốc tích
  3. Hoàng Cao Khải, 1914, Việt sử yếu, quyển thứ nhất, mục: Nhân chủng
  4. Nguyễn Thông, 1877, Việt sử thông giám cương mục khảo lược, quyển 1 – Tiền biên
  5. Thủy kinh chú sớ, Lịch Đạo Nguyên (chú), Dương Thủ Kính, Hùng Hội Trinh (sớ), Nguyễn Bá Mão (dịch), Nxb Thuận Hóa, 2005, trang 373
  6. Đại Việt sử ký toàn thư, phần Kinh Dương Vương