Search This Blog

Wednesday, August 17, 2022

Chữ Nôm và Quảng Nam

 Tiêu đề bài viết này thực ra không bao quát hết được nội dung, chỉ là tạm thời đặt thế.

Trước hết, xin nói đến khái niệm cách đọc Hán Việt. Hiểu một cách nôm na thì đó là hệ thống cách đọc văn tự Hán theo kiểu Việt Nam, thay vì đọc theo tiếng Hán. Tức là người Việt dùng chữ Hán nhưng không trở thành người biết nói tiếng Hán.

Tôi cũng xin đề cập đến một cách giải thích khác, cho rằng đây là phát âm tiếng Hán thời Đường, còn người Trung Quốc hiện nay lại phát âm chệch đi do hậu quả của những thời kỳ bị người bên ngoài cai trị. Tức là cách phát âm của người Việt “nguyên bản” hơn. Ý kiến này chỉ có thể được chấp nhận nếu chúng ta chấp nhận hai điểm cùng lúc. Thứ nhất là người Việt có thể phát âm được khá nguyên bản tiếng Hán Đường trong thời kỳ tiếp nhận, thứ hai là người Trung Quốc có thể bị thay đổi tiếng nói bởi nhà cai trị thiểu số. Về điểm thứ nhất, chúng ta đều biết rằng bộ phận phát âm của mỗi con người đã được định hình từ rất sớm để phù hợp với tiếng mẹ đẻ, vì vậy việc phát âm chuẩn một ngôn ngữ thứ hai là rất khó khăn. Trên quy mô một dân tộc thì điều này hầu như không thể. Về điểm thứ hai, các chứng cứ lịch sử chỉ ghi nhận nỗ lực của người Mãn Thanh nhằm thay đổi việc cắt tóc và y phục của người Hán, mà điều đó đã rất khó khăn rồi, nói gì đến việc khiến người Hán thay đổi tiếng nói, nếu nhà cai trị quả có muốn thực hiện. Tóm lại thuyết “nguyên bản” này rất ngớ ngẩn.

Nhiều ý kiến cho rằng đó là cách phản ứng của tầng lớp tinh hoa bản địa nhằm chống lại sự đồng hóa của người Hán trong thời kỳ Bắc thuộc. Vậy thì đây phải là kế hoạch có tổ chức, có hệ thống, có quá trình lâu dài. Vấn đề là tại sao nhà cai trị phương Bắc lại có thể để yên? Mặt khác, theo lẽ tự nhiên thì không thể bỏ qua tâm lý người học hướng đến việc phát âm cho chuẩn khi học chữ, vậy lý do nào lại đều chấp nhận hệ thống phát âm quá sai lệch so với nguyên bản. Cách giải thích như này rõ ràng là không thỏa đáng.

Nếu nói rằng đây là chủ trương của chế độ, khi buộc phải sử dụng chữ Hán vì những lợi ích của nó, nhưng lại không muốn cho dân chúng nói được tiếng Hán, thì hợp lý hơn. Hoặc ít nhất thì hệ thống chữ viết đã hiện diện rất lâu trước khi có sự cai trị của người Trung Quốc, nên việc phát âm đã hoàn toàn bản địa hóa, nhà cai trị không có thể còn thay đổi. Vậy thì chế độ đó phải là độc lập chứ không thể của người Trung Quốc được.

Bây giờ xin nói về chữ Nôm. Đây là bộ chữ riêng, để biểu đạt những từ vựng bản địa, do không thể tìm ra chữ Hán phù hợp, chữ đồng nghĩa thì khác âm, mà chữ đồng âm thì lại khác nghĩa. Chữ Nôm dựa trên chữ Hán, đại khái gồm một phần biểu đạt ý của từ, ghép với một phần biểu đạt âm (hoặc gần giống âm) của từ đó.

Hiện nay phần lớn các quan điểm vẫn cho rằng chữ Nôm được tạo ra vào những thế kỷ đầu của thiên niên kỷ thứ hai, trong khi người ta lại chấp nhận rằng hệ thống Từ Hán Việt có từ thiên niên kỷ thứ nhất. Chúng ta có thể thấy sự bất hợp lý khi cho rằng người Việt biết du nhập chữ Hán, biết cách chế ra cách phát âm Hán Việt riêng cho mình, mà đến nhiều thế kỷ sau mới biết vận dụng chữ Hán để biểu đạt từ thuần Việt. Vậy thì rất có thể chữ Nôm cũng bắt đầu được tạo ra trong cùng giai đoạn với hệ thống từ Hán Việt.

Nhìn sang khu vực dân tộc Choang ở phía bắc biên giới, họ cũng có hệ thống chữ vuông được chế từ chữ Hán để biểu đạt từ bản địa, thể hiện trên tấm bia do Vi Kính soạn vào năm Vĩnh Thuần nguyên niên (năm 682) đời Đường (1). Tức là tư tưởng vận dụng chữ Hán để biểu đạt từ bản địa đã xuất hiện khá sớm ở phía nam.

Từ “Nôm” có nghĩa phổ thông là “Nam”, chỉ phương nam. Đây là phương ngữ Quảng Nam của tiếng Việt chứ không phải là ngôn ngữ phổ thông. Vấn đề đặt ra là tại sao người ta không gọi là chữ Nam mà lại gọi là chữ Nôm? Ngoài ra, có một số chữ Nôm được cho là do đọc chệch mà thành, ví dụ: "gió" 這 (mượn âm "giá"), "cửa" 舉 (mượn âm "cử"), "đêm" 店 (mượn âm "điếm"), "chạy" 豸 (mượn âm "trãi") (2), những trường hợp này cho thấy sự gần gũi với phương ngữ Quảng Nam. Vậy phải chăng quá trình sáng tạo chữ Nôm đã dựa một phần vào phương ngữ Quảng Nam, tức là thời đó đã có phương ngữ Quảng Nam và có yếu tố Quảng Nam trong tầng lớp cầm quyền? Chúng ta hãy xem xét một số chứng cứ.

Ngày nay người ta đã có những nhận thức mới về sự giao thương và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các khu vực ở thời đầu Công nguyên. Ví dụ, ở di chỉ Lũng Khê thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, những chứng cứ về mối quan hệ giữa khu vực này và miền Trung hay Nam Bộ đã được tìm thấy. Theo công bố của nhà khảo cổ học người Nhật là Nishimura Masanari (3), gồm có: 1. Bàn nghiền đá hình chữ nhật có chân. Những hiện vật giống nó cũng được tìm thấy ở di chỉ Óc Eo, tỉnh An Giang. Đây là bàn nghiến kiểu Ấn Độ/ 2. Bình gốm Kendi. Hình dáng gần giống với những bình Kendi được phát hiện ở Trà Kiệu thuộc Quảng Nam. Đây là loại hiện vật có nguồn gốc Ấn Độ, rất phổ biến ở những di chỉ thuộc khu vực Đông Nam Á, thuộc thiên niên kỷ 1 Công nguyên./ 3. Chì lưới lỗ. Loại hiện vật này cũng được phát hiện ở Óc Eo và trong bộ sưu tập của vị cha Anton ở thành cổ Trà Kiệu, Quảng Nam/ 4. Đầu ngói ống. Loại đầu ngói ống này còn được phát hiện ở thành cổ Trà Kiệu, Quảng Nam và ở di tích lò Tam Thọ, Thanh Hóa. Trang trí của loại hiện vật này cho thấy có liên quan đến Phật giáo và Ấn Độ giáo.

Ở các tỉnh vùng Tây Nguyên người ta phát hiện được nhiều trống đồng có niên đại trên dưới 2000 năm (4). Sự phát triển của khoa học khảo cổ đã cho thấy những tương tác giữa khu vực miền Bắc và miền Trung của Việt Nam cũng như với văn hóa Ấn Độ sớm hơn và sâu sắc hơn, góp phần giúp chúng ta xem xét lại lịch sử.

Trong bài viết trước, tôi đã chứng minh rằng thực tế không có cái gọi là nghìn năm Bắc thuộc mà chỉ có hai giai đoạn Bắc thuộc, từ năm 43 đến 192 và từ năm 605 đến 905. Từ năm 193 đến 604 trên lãnh thổ chúng ta là nước Lâm Ấp độc lập với Trung Quốc. Kinh thành Điển Xung của Lâm Ấp ở dưới chân núi An Phụ, vị trí nay là xã An Sinh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Cách bờ biển chừng trên 20km. Lâm Ấp thời kỳ hùng mạnh có lãnh thổ trải dài từ miền cực nam Trung Quốc cho đến núi Thạch Bi thuộc dãy núi Đại Lãnh, ranh giới Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay.

Bộ sách Tấn thư, phần chép về Lâm Ấp, cho biết rằng từ triều vua Phạm Văn, nửa đầu thế kỷ 04, triều đình Lâm Ấp bắt đầu chủ trương học theo Trung Quốc. Vậy thì có thể cho rằng đây là mốc hợp lý cho sự ra đời của hệ thống phát âm Hán Việt và hệ thống chữ Nôm.

Các sử liệu Trung Quốc cho thấy họ từng gọi vương triều Lâm Ấp, ở một giai đoạn đóng đô ở miền Trung, mà được cho là tại vị trí thành cổ Trà Kiệu, là Hoàn Vương. Hoàn Vương cũng có nghĩa là vương triều quay trở về.

Với các dữ liệu trên, chúng ta có thể tìm thấy một câu trả lời cho vấn đề từ Hán Việt, chữ Nôm và tiếng Quảng Nam. Đó là, sau giai đoạn thuộc Hán (43 đến 192) ở khu vực đồng bằng ven biển phía bắc, đây là Lâm Ấp cũ, bị Mã Viện xâm lược, thì đã có một lực lượng từ phía Quảng Nam tiến ra cầm quyền, đóng đô ven biển. Lâm Ấp bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ thời kỳ này, một phần cũng nhờ giai đoạn Lục triều chiến tranh liên miên ở Trung Quốc. Tiến trình song song là sự tiếp biến về ngôn ngữ ở những khu vực năng động dọc tuyến giao thương ven biển, các thành phương ngữ được hình thành, trong đó ngôn ngữ ở khu vực Lâm Ấp cũ, vùng đồng bằng Bắc Bộ, là chủ đạo vì đó là trung tâm lớn nhất. Vương triều Lâm Ấp vốn chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, nhưng khi ra phía bắc đã tiếp thu nhiều yếu tố Trung Quốc, do tác động từ mối giao thương chắt chẽ và những thành tựu mà người Trung Quốc đạt được. Chữ Hán vì vậy được phổ biến. Tuy nhiên, do những va chạm thường xuyên nên vương triều này đã cảnh giác với sự Hán hóa, vì vậy đã tạo ra một lớp ngăn người dân biết chữ Hán nói được tiếng Hán, bằng cách tạo ra cách đọc Hán Việt. Cũng chính vương triều này tạo ra chữ Nôm, mà Nôm tức là chữ Nam theo phương ngữ của họ.

Sau khi bị đánh bại ở vùng đồng bằng phía bắt thì vương triều này lại rút về Quảng Nam. Nhà Đường về sau hiểu được nội tình nên gọi là Hoàn Vương, có lẽ đây cũng là một thông điệp chính trị của triều đình Trung Quốc.

Kiến giải này sẽ vấp phải sự phản đối của những người cho rằng người nước Hoàn Vương, và Chiêm Thành sau này đều nói tiếng Chăm chứ không thể nào là phương ngữ Quảng Nam của tiếng Việt.

Thực tế thì chúng ta có chứng cứ là dân cư ven biển ở phía nam núi Thạch Bi, nơi này có vài tiểu quốc của Chiêm Thành còn tồn tại sau cuộc thôn tính của Lê Thánh Tông năm 1471, nói tiếng Chăm, tuy nhiên đó không phải là vùng trung tâm Chiêm Thành, lại có những giai đoạn thì thuộc về Chân Lạp và có thể trước đó là Phù Nam. Điều này không đủ để nói rằng vùng trung tâm Chiêm Thành nói cùng thứ tiếng đó.

Thế còn việc chứng minh người Chiêm Thành nói một phương ngữ của tiếng Việt, tức là như tiếng Quảng Nam, Bình Định bây giờ, thì sao? Chúng ta hãy thử xem xét từ góc độ một số ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư về quan hệ giữa người Việt và người Chiêm Thành.

Năm 979 phò mã Ngô Nhật Khánh cầu viện người Chiêm Thành đánh thành Hoa Lư để dựng lại nhà Ngô.

Năm 989 Dương Tiến Lộc đem hai châu Hoan, Ái xin quy phụ Chiêm Thành.

Năm 905 hoàng tử Đông Thành Vương Lê Long Tích thua chạy cũng tìm cách sang Chiêm Thành.

Năm 1046 Lý Thái Tông sai dựng cung riêng cho phụ nữ Chiêm Thành ở.

Năm 1202 Vua nước Chiêm Thành là Bố Trì bị chú là Văn Bố Điền đuổi, nay đem cả vợ con đến ngụ ở cửa biển Cơ La, ý muốn cầu cứu.

Một thủ lĩnh cát cứ cuối thời Lý, đầu thời Trần là Nguyễn Nộn đã thu nhận một người Chiêm Thành là Phan Ma Lôi làm trợ thủ đắc lực. Ma Lôi dụng binh như thần. Năm 1229 khi Nguyễn Nộn chết thì Ma Lôi bỏ trốn, nhà Trần mới thống nhất thiên hạ.

Khi có chiến tranh Đại Việt – Chiêm Thành vào năm 1390, thì “Bấy giờ, người Nghệ An vốn ở hai lòng, còn Tân Bình, Thuận Hóa thì phần nhiều làm phản theo Chiêm Thành”

Năm 1448, người Chiêm Thành là Phan Mỗ dẫn hơn 340 đàn ông đàn bà sang hàng, xuống chiếu chia cho ở các đạo.

Năm 1472, Cấm quan viên và dân chúng không được lén lút chứa giấu người Chiêm Thành

Năm 1499, xuống chiếu: “Kể từ nay, trên từ thân vương, dưới đến dân chúng, đều không được lấy đàn bà con gái Chiêm Thành làm vợ, để cho phong tục được thuần hậu”

Năm 1509, sai giết các nữ sử nội thần người Chiêm

Các chi tiết trên cho thấy mức độ tương tác giữa hai bên khá mạnh, kể cả trong những tầng lớp bình dân ít học. Điều này rất khó xảy ra nếu rào cản ngôn ngữ là lớn, như giữa tiếng Việt và tiếng Chăm.

Chúng ta cũng có thể thấy là từ năm 1471 đến năm 1653 người Việt không lấn qua núi Thạch Bi. Cách giải thích hợp lý nhất là do khác biệt ngôn ngữ nên phía người Việt không thực sự quyết tâm lấn chiếm, mà họ chỉ thực hiện khi có điều kiện dễ dàng. Phía bắc núi Thạch Bi thì nói phương ngữ của tiếng Việt, không quá khác biệt, nên triều đình Đại Việt hầu như không ngừng tìm cách thôn tính.

Tóm lại, trên ý kiến chủ quan của người viết thì chúng ta có cơ sở để giải thích về vấn đề chữ Nôm và vấn đề phương ngữ Quảng Nam, khai thông những bế tắc hiện nay trên khía cạnh học thuật, đồng thời đưa đến cách nhìn mới về lịch sử nước Việt Nam. Mong nhận được sự phản biện của các bạn quan tâm.