Search This Blog

Saturday, October 10, 2020

Về sự kiện biên giới năm 1540 giữa nhà Minh và nhà Mạc

 

Đặt vấn đề:

Từ trước cho đến gần đây chi tiết về sự kiện biên giới năm 1540 giữa nhà Minh và nhà Mạc được chép trong sử Việt khá ít ỏi, mặc dù đây là một sự kiện lớn, chưa bao giờ hết thu hút sự quan tâm của người Việt.

Sở dĩ có tình trạng như thế là bởi nguồn ghi chép từ nhà Mạc đã bị hủy hoại cùng với sự thất bại của triều đại này. Mặt khác, do ý thức đối kháng với nhà Mạc nên các nhà viết sử dưới thời Lê Trung hưng và thời Nguyễn có xu hướng chỉ đưa ra một số thông tin phục vụ việc bôi nhọ đối phương, thay vì đưa ra một bức tranh toàn cảnh về sự kiện.

Ngày nay, với việc chọn dịch và xuất bản một phần bộ sách Minh Thực lục, phần liên quan đến Việt Nam, vốn nằm rải rác trong bộ sách rất đồ sộ chứa những ghi chép đương thời của triều đình nhà Minh, đã hé mở rất nhiều thông tin về diễn biến. Mặt khác, đã có thêm nhiều nghiên cứu về nhà Mạc ở Việt Nam, đưa ra những nhận định mới. Vì vậy sự kiện biên giới năm 1540 cần phải được xem xét lại một cách đầy đủ hơn.

Trong bài viết này, người viết sử dụng bản dịch Minh Thực lục của Hồ Bạch Thảo, do Nhà xuất bản Hà Nội xuất bản năm 2010. Để người đọc tiện theo dõi, tác giả bài viết sử dụng ngày tháng đã được dịch giả chuyển đổi sang dương lịch. Ví dụ (8/9/1539) tương đương với nội dung trên bản dịch là: "ngày 26 tháng 7 nhuận năm Gia Tĩnh thứ 18 [8/9/1539]."


Diễn biến bên phía Trung Quốc

Theo Minh Thực lục thì Minh Thế tông bắt đầu tập trung về vấn đề An Nam từ cuối năm 1536. Nhà Minh quyết định chinh phạt với lý do An Nam từ lâu bỏ việc triều cống. 

Ghi chép của nhà Minh còn cho biết phái đoàn Trịnh Duy Liêu do Nguyễn Kim cử sang cáo nạn chỉ đến được kinh đô nhà Minh vào đầu năm 1537, bởi hành trình rất khó khăn. 

Tức là họ đến sau khi nhà Minh có chủ trương đánh An Nam.

Mặt khác tài liệu này cũng cho biết lý do nhà Mạc không sang triều cống là do quan giữ ải của phía nhà Minh ngăn cản. Lý do ngăn cản được viên Tả thị lang bộ Hộ Đường Trụ nói rõ, là quan giữ cửa ải thấy tên trên tờ biểu không đúng nên không cho qua. Có thể hiểu là họ không cho nhà Mạc cơ hội trình bày.

Vậy lý do ban đầu là trừng phạt An Nam vì không đến triều cống. Chiêu bài giúp khôi phục nhà Lê chỉ là cái cớ được thêm vào sau. Có thể Minh Thế tông muốn nhân cơ hội để thôn tính An Nam.

Đây là xu thế tự nhiên và đã qua kiểm nghiệm của lịch sử. Không phải vô cớ mà nhiều triều thần nhà Minh như Tả thị lang bộ Hộ Đường Trụ, Tả thị lang bộ Binh Phan Trân, Đề đốc Lưỡng Quảng Phan Đán, Tuần án Quảng Đông Dư Quang đã đề cập rằng An Nam là xứ người Trung Quốc không thể cai trị trong lời can ngăn Minh Thế tông.

Tuy quy mô nguồn lực lớn hơn rất nhiều so với An Nam nhưng phía Trung Quốc cũng có những vấn đề khó khăn.

+ Sự chia rẽ ý kiến. Có những quan điểm cho rằng trong nước khó khăn, không nên bày việc đánh An Nam, hoặc nói không cần phải đánh An Nam mà để nước đó tự ổn, hoặc nói không nhất thiết phải bênh vực nhà Lê mà cứ chấp nhận cho nhà Mạc triều cống, hoặc viện dẫn những thất bại trước kia để nói rằng An Nam là xứ có chiếm được rồi cũng phải bỏ chứ không thể cai trị được...Minh Thế tông phải quyết liệt trừng phạt những người phản đối. Lột chức và cho thôi việc Tả Thị lang bộ Binh Phan Trân, cắt bổng Giám sát ngự sử đạo Hồ Quảng Từ Cửu Cao hai tháng, đoạt lương Tuần án Quảng Đông Ngự sử Dư Quang một năm. Y còn trách rằng đã nghe được các khanh sĩ đại phu bàn bạc riêng với nhau là không cần đánh, những người có trách nhiệm mà không chủ trì, hiệp lực, việc gì cũng ủy cho hội nghị.

+ Khả năng huy động và sự tự tin. Vấn đề này có thể được hé lộ qua lời tâu của Đề Đốc Lưỡng Quảng Thị lang bộ Binh Thái Kinh, rằng để tiến binh thì ước tính cho 30 vạn binh, trong một năm cần 160 vạn thạch lương thực, việc đóng thuyền, mua ngựa, khao thưởng, khí giới, các phí tổn khoảng 70 vạn lạng bạc. Quân lính tại Lưỡng Quảng không kể lính canh gác tại địa phương thì có không quá 12 vạn, chỉ đủ 1/3 nhu cầu. Lương thực tại đây có thể huy động không quá 40 vạn thạch, chỉ đủ 1/4 nhu cầu. Tiền bạc lấy được từ các ngân khố chỉ hơn 30 vạn, chỉ khoảng một nửa. Nếu trong một năm việc binh chưa xong thì con số không dừng tại đó.

 Trước những khó khăn, Minh Thế tông từng hoãn binh và lựa chọn phương án khác. Y quyết định cho người đi sứ An Nam, nói là báo tin về việc tôn vinh ông nội của mình, tuy nhiên sứ mệnh thực tế của viên sứ giả lại không phải như thế. Sứ giả Hoàng Oản được sắc chỉ điều tiết tất cả các quan ở các tỉnh Vân, Quý, Lưỡng Quảng, lại được cấp cho ấn Quan phòng để tiện nghi hành sự. Lại xin xem các tờ biểu của An Nam được lưu lại để nhằm phân biệt con giấu thật của An Nam mà Mạc Đăng Dung và Lê Ninh đều nói là mình đang giữ. Oản lại nói rằng chỉ lo thiệt hại cho quốc gia chứ thân mình không đáng lo, lại xin nhiều đặc ân, rốt cuộc vẫn tìm nhiều cách để trì hoãn. Những chi tiết đó cho thấy nhiệm vụ thực sự của sứ đoàn này rất lớn, có thể là tìm cách chủ trì việc phân ngôi vị ở An Nam hoặc nhân thể không chế mà đoạt lấy nước. Dĩ nhiên đây là nhiệm vụ nguy hiểm, bởi vì nhà Mạc buộc phải chính thức kháng cự, nhưng nếu như vậy thì Minh Thế tông lại loại bỏ được tâm lý phản đối trong nội bộ nhà Minh. Hoàng Oản, vốn đã được thăng lên Thượng thư bộ Lễ để làm chánh sứ, có lẽ đã ý thức được sự nguy hiểm với bản thân, nên không chịu đi, rút cục bị cách chức.

Sau khi trấn áp những ý kiến phản đối thì chỉ còn ý kiến ủng hộ. 

Minh Thế tông quyết định gấp rút xuất binh, Đáp ứng mọi lời xin về điều động quân dân và lưu giữ tiền thuế để phục vụ đánh An Nam, lệnh giới hạn ba ngày cho mọi tấu phúc và phán rằng cha con Phương [Đăng] Doanh phải bị chết. (31/7/1540)

Y còn cao hứng làm thơ tiễn đại tướng cầm quân. Nội dung bài thơ này, theo một bản dịch tiếng Việt:

"Đại tướng Nam chinh khẳng khái sao
Lưng đeo sáng quắc nhạn linh đao
Gió lay trống trận sơn hà động
Chớp nhoáng cờ đồn nhật nguyệt cao
Trời thẳm kỳ lân sinh giống sẵn
Hang sâu kiến cỏ trốn đằng nào?
Thái bình khi chiếu đòi về nước
Trẫm cởi dùm khanh áo chiến bào”. (1)

Nội dung chỉ nói đến việc chinh phạt chứ không đề cập gì đến giúp đỡ nhà Lê. Nếu không phải mục đích chinh phục nước An Nam để được ghi nhận công nghiệp vượt các triều trước thì khó mà tìm được lý do xác đáng để giải thích cho sự quyết tâm và hứng khởi của Minh Thế tông đối với cuộc nam chinh này.

Cừu Loan và Mao Bá Ôn tâu rằng nghe nói Phương Doanh đã chết, nếu An Nam không chịu phục tùng ngay thì hai kế hoạch đánh và chiêu phủ phải tiến hành. Cần điều quân Quảng Đông 36.000 người, Quảng Tây 75.000 người, quân Thổ tại các ty Tuyên ủy Vĩnh Thuận, Bảo Tĩnh thuộc Hồ Quảng, quân thủy tại Chương Châu, Tuyền Châu thuộc Phúc Kiến. Các chánh quan tại các ty, phủ, châu, huyện tại Lưỡng Quảng và Vân Nam được miễn về chầu tại triều, chuẩn bị tiến quân. Minh Thế tông đều chấp nhận.

Nhà Minh đã quyết tâm lớn để đánh An Nam, chứ không phải là hư trương thanh thế như nhiều bộ sử ở Việt Nam và Trung Quốc chép sau này, vì thiếu thông tin hoặc lý do nào khác. Dân chúng phía nam Trung Quốc cũng vì thế mà lao khổ. Sau khi bãi binh, tháng 5 năm 1541 Minh Thế tông đã ban chiếu mệnh rằng các xứ Lưỡng Quảng, Vân Nam và lân cận, nhân việc An Nam chinh điều chuyển vận, dân chúng lao khổ, các quan tuần phủ phải lưu ý chiếu cố...(15/05/1541)

Riêng đạo quân từ Lưỡng Quảng do Cừu Loan và Mao Bá Ôn trực tiếp chỉ huy quân số đã vượt xa con số 111,000 người. Đạo quân từ Vân Nam và Quý Châu không được Minh Thực lục cho biết quân số, nhưng thường được nhắc tới như một lực lượng quan trọng, được chỉ huy bởi những người có vai vế cao. Sách này ghi: "Binh Vân Nam tập hợp riêng, từ thác Liên Hoa chia làm ba cánh, do Kiềm quốc công Mộc Triều Phụ, An Viễn hầu Liễu Tuần, Đề đốc quân vụ thị lang Thái Kinh, Tuần phủ Đô ngự sử Uông Văn Thịnh xếp đặt", chứng tỏ cũng là đạo quân lớn. Phía nhà Minh còn được hỗ trợ từ các đạo quân xứ Lão Qua đánh từ mặt Tây Bắc, quân Vũ Văn Uyên từ mặt Bắc, quân Lê Ninh và Nguyễn Kim từ mặt nam, cùng các lực lượng lẻ tẻ khác ở dọc biên giới. 


Tình hình An Nam

Sử sách hầu như không còn ghi chép về sự chuẩn bị của nhà Mạc cho chiến tranh, mà chỉ có những ghi chép về xã hội trị bình dưới thời Mạc Đăng Dung và Mạc Đăng Doanh. 

Không chỉ có sự thừa nhận trong Toàn Thư về một xã hội "đêm không cần đóng cửa, ngoài đường không nhặt của rơi", mà tận cuối đời Lê Trung hưng và đầu đời Nguyễn vẫn còn những nhà khảo cứu chép rằng "Bấy giờ được mùa, nhà no, người đủ, trong nước gọi thời ấy là trị bình..." - Phan Huy Chú (2), hoặc: "Vả lại cái đức chính của đời Minh Đức, Chính nhà Mạc vẫn còn cố kết nhân tâm, chưa quên hết" - Phạm Đình Hổ nói về dư âm của nhà Mạc (3). 

Mặt khác, Mạc Đăng Dung xuất thân là một Võ cử, cuộc đời thành công với binh nghiệp, tất phải có ý thức và năng lực phát triển sức mạnh quân đội. Về ngoại giao, sau khi trình bày được với nhà Minh, nhà Mạc đã nhận tội chuyên quyền, xin tha tội, xin cống nạp đầy đủ, nhưng đã quyết định không dâng nạp bản đồ theo yêu cầu của nhà Minh, chứng tỏ họ đã đoán được ý đồ thực sự của đối phương là vẫn sẽ tiến công. Tính từ thời điểm lên ngôi thì nhà Mạc đã có hơn mười năm để củng cố đất nước và chuẩn bị đối phó.

Nhà Mạc đặc biệt chú trọng về thủy quân, chỗ dựa đã chứng tỏ rất hữu hiệu cho chế độ, kể cả về sau, khi đã ở vào giai đoạn suy yếu.

Giai đoạn này thủy quân nhà Minh lại suy kém, sau hàng chục năm thi hành chính sách cấm biển. Người Việt tận dụng được cơ hội này để trở thành một thị trường thay thế và trung chuyển, trong một giai đoạn giao thương hàng hải bắt đầu đột phá, năng lực hoạt động trên sông biển vì thế phát triển. Hoạt động doanh thương phát triển cũng khiến nhà nước bổ sung được nguồn thu khiến giảm nhẹ thuế khóa cho nông dân mà vẫn có ngân khoản cho việc binh bị. Một chi tiết về sau, chứng tỏ năng lực hạn chế của thủy quân nhà Minh là chỉ với lực lượng của viên tướng Phạm Tử Nghi, ly khai triều đình nhà Mạc, đã có thể "mang quân cướp phá hai châu Khâm, Liêm; bắt chỉ huy Tôn Chính, giết bách bộ Hứa Trấn; cả miền lãnh hải dao động(10/5/1549 ), đến mức sự việc trình lên hoàng đế nhà Minh khiến y phải yêu cầu nhà Mạc xử lý. Ưu thế về thủy quân rõ ràng nghiêng về phía nhà Mạc.

Khi nhà Minh sửa soạn đánh An Nam thì nhiều khu vực ở biên giới dao động, ngả theo phía họ. Minh Thực lục chép rằng các thổ quan và hào mục An Nam như Trần Tông, Hoàng Công Cán, cùng các thổ quan tại biên giới như thủ lĩnh Đào Tiên tại châu Thủy Vĩ và những người khác đều tình nguyện nội phụ. Vũ Văn Uyên chiến thắng quân nhà Mạc, chiếm được quan ải và doanh trại. Văn Uyên được nhà Minh ban y khăn, dây đai, chương phục quan tứ phẩm và tiền bạc. Tuy nhiên những lực lượng này chỉ có thể gây khó khăn cho nhà Mạc ở biên giới, khó có khả năng tiến sâu.

Khu vực Thanh Hóa khi nhà Mạc lên thì Nguyễn Kim và Lê Ý đã khởi binh chống lại, nhưng Nguyễn Kim thất bại phải chạy sang Ai Lao, còn Lê Ý đã bị bắt sau chưa đầy một năm bởi vì quân lương đều ít, chứng tỏ dân chúng ít theo lực lượng nổi dậy. Thế nhưng khi quân Minh sửa soạn đánh An Nam thì lực lượng Lê Trung hưng đã có được nhiều lợi thếToàn Thư ghi nhận năm 1537 viên trấn thủ bảy huyện cho nhà Mạc ở Thanh Hóa là Lê Phi Thừa đã cướp phá tam ty và dẫn quân sang Ai Lao theo Lê Ninh. Theo Toàn thư thì quá trình chiếm lại bắt đầu từ năm 1539. Tuy nhiên, đầu năm 1538 viên Tri châu Khâm Châu đã tâu lên Minh Thế tông về việc Mạc Đăng Dung vừa mới thua Lê Ninh và Vũ Văn Uyên. Nếu tin tức bên phía nhà Minh là chính xác thì có thể không phải Lê Phi Thừa chạy sang Ai Lao mà y mở cửa đón lực lượng Lê Ninh vào, giao tranh và thắng quân nhà Mạc ở Thanh Hóa. Năm 1541 Phi Thừa bị Nguyễn Kim sai người bóp cổ chết với lý do là bất bình, nói ra những câu phẫn uất, ngày càng kiêu hoạnh. Có thể y dám kiêu hoạnh vì đã có công khơi mào cuộc nội chiến giúp nhà Lê Trung hưng.

Dù đã chiếm được một số khu vực ở Thanh Hóa, nhưng phản ứng của dân chúng có thể sẽ bất lợi hơn cho phe Nguyễn Kim nếu họ công khai phối hợp với quân Minh. Lúc này nhà Mạc vẫn đang kiểm soát được vùng trung tâm Thanh Hóa.

Để chiêu dụ quan lại An Nam, quân Minh đã công bố "nếu ai mang quận huyện đến hàng sẽ được giao cho cai quản chính quận huyện đó". Điều này khiến họ lộ rõ ý đồ sẽ làm chủ An Nam, không trả thực quyền cho nhà Lê, do đó cũng cho thấy chiêu bài dựng lại nhà Lê có thể không được đánh giá cao về mặt tác dụng. Bối cảnh như vậy rất khó cho người Minh lôi kéo được dân chúng chống lại nhà Mạc. Dân An Nam đã nhờ có nhà Mạc mà được hưởng khoảng thời gian thái bình nên khó mà bị lung lạc. Họ lại đã có kinh nghiệm về sự lật lọng của nhà Minh với chiêu bài phù Trần diệt Hồ lần trước. 

Như vậy, xét về tương quan thì nhà Mạc không hẳn ở thế yếu nếu quân Minh tiến sâu vào lãnh thổ. 


Diễn biến ở biên giới và hậu sự kiện

Hàm Ninh hầu Cừu Loan đến Quảng Tây, đeo ấn kiếm triều đình ban cho, bèn ra lệnh cho Trấn thủ Vân Nam Đề đốc Liễu Tuần mặc quân phục, đến quỳ trình diện trước hàng quân. Tuần không tuân, đưa thư chỉ trích Loan, làm đơn khiếu nại đến triều đình. Bộ Binh không giải quyết được, phải trình lên. Minh Thế tông khiển trách Loan, ra lệnh trở về kinh đô. Lệnh Liễu Tuần cùng Mao Bá Ôn lo liệu việc An Nam. (20/10/1540)

Thời điểm tấn công đã bị đình lại có thể đến hàng chục ngày để nội vụ được triều đình nhà Minh giải quyết. 

H truyền hịch cho dân An Nam biết việc phục hưng nước bị diệt, nối dòng bị tuyệt, chỉ đánh cha con Mạc Đăng Dung mà thôi. Nếu ai mang quận huyện đến hàng sẽ được giao cho cai quản chính quận huyện đó, giết hoặc bắt cha con Mạc Đăng Dung đem đến hàng sẽ được thưởng 20.000 [lạng?] vàng, quan cao, tên tuổi được ghi công hai ba lần. Dụ cha con Đăng Dung quả muốn trói tay chịu tội, nạp cống, tuân mệnh, sẽ được tha tội chết. 

Những diễn biến bên phía nhà Minh cho thấy ý đồ và quyết tâm thực hiện gấp rút. Thế thì lời dụ hàng chỉ là một biện pháp đi kèm để lung lạc ý chí chống cự của nhà Mạc, rõ ràng không có chỗ cho đàm phán. 

Minh Thực lục chép rằng "Đăng Dung nghe tin, sai sứ đến cửa quan xin hàng. Bọn Bá Ôn đã được lệnh trước của triều đình nên cho hẹn ngày 3 tháng mười một năm Gia Tĩnh thứ 19 [30/11/1540] đến hàng." Ngoài ra còn dâng sổ hộ tịch, đất đai, quân số, trả lại bốn động mà phía Khâm Châu nói rằng bị chiếm, xin được ban lịch chính sóc và xin được giữ lại ấn cũ để đợi sự định đoạt. 
Tuy nhiên, trong nội dung xin hàng của Mạc Đăng Dung có nói rằng "chỉ xin được theo ý nguyện của dân Di, tùy nghi mà khu xử". Thực tế đó là một điều kiện. Lại dâng sổ hộ tịch, đất đai, quân số nhưng vẫn không thấy nói đến bản đồ. 
Minh Thế tông lệnh giáng nước An Nam làm ty Đô thống sứ An Nam, cho Mạc Đăng Dung làm quan Đô thống sứ An Nam, tòng nhị phẩm, con cháu thế tập, được cấp ấn bạc. Hủy bỏ hệ thống tự thiết lập trước kia, đặt ra ty Tuyên phủ cho 13 lộ như Hải Dương, Sơn Nam..., Mạc Đăng Dung được quyền thăng, giáng, chuyển đổi hoặc cho thế tập. Mỗi năm nhận lịch Đại thống để theo Chính sóc, vẫn theo lệ ba năm cống một lần. Hoàn lại bốn động đã chiếm cho Khâm Châu. Không cần phải phúc trình về số lượng tiền, ngũ cốc, binh giáp. Lệnh Thủ thần khám hỏi việc Lê Ninh, nếu là con cháu họ Lê thì cấp cho bốn quận đang chiếm giữ, nếu không thì bị truất.

Kết quả, nhìn vào những điều kiện nhà Mạc đạt được, là vẫn tiếp tục cai quản An Nam, theo ý nguyện của dân chúng An Nam mà tùy nghi khu xử, không cần phải báo cáo về số lượng tiền, ngũ cốc, binh giáp, thì đó là những điều khoản có thực chất, ngoài ý định ban đầu của Minh Thế tông. Y vốn đã không theo đề xuất của Dư Quang và Mộc Triều Phụ lẫn tờ biểu của nhà Mạc xin làm phiên thần.

Vậy bên phía nhà Minh đã có một quá trình thay đổi nhận thức.

Có thể chính là nhờ khoảng thời gian cuộc tiến công phải đình lại hàng chục ngày để triều đình nhà Minh ở Bắc Kinh xử lý vụ việc giữa Cừu Loan và Liễu Tuần ở Lĩnh Nam.
Các tướng nhà Minh có thêm cơ hội để phân tích kỹ hơn về tình hình An Nam. Hai bên có được những đánh giá sơ bộ trên khía cạnh tinh thần dân chúng. Dân Trung Quốc phải chịu đựng thêm sự vất vả, phản ứng sẽ càng tiêu cực. Dân An Nam, như để cập ở trên, khó mà bị lung lạc. Chiến dịch tuyên truyền và chiêu dụ của nhà Minh bước đầu dĩ nhiên không thu được tín hiệu khả quan.

Trước viễn cảnh cuộc tấn công không sẽ đạt được ý đồ do tình hình thực tế An Nam, do những trục trặc khiến giảm nhuệ khí ban đầu và phát sinh tốn kém, thì một kết quả khả quan hơn mà những kẻ chịu trách nhiệm về cuộc chiến có thể tính đến là tìm cách thỏa thuận với Mạc Đăng Dung một giải pháp hai bên chấp nhận được.  
Sự thay đổi của Mao Bá Ôn, từ phe chủ chiến đã xin bãi binh, xin chấp nhận nhà Mạc, bỏ nhà Lê, chứng tỏ điều đó. 

Tuy Minh Thực lục không chép diễn biến này, mà chép rằng Bá Ôn trú quân ở biên giới, Đăng Dung nghe tin, sai sứ đến cửa quân xin hànglời lẽ rất khiêm tốn. Tuy nhiên, phải đến ngày 29/4/1541 sử thần nhà Minh mới chép gộp từ sự việc chuẩn bị tấn công đến lời tuyên bố thắng lợi cùng những ban thưởng của Minh Thế tông vào làm một văn bản.

Sự việc Minh Thế tông ở kinh đô giải quyết chuyện bất đồng xảy ra khi Cừu Loan đến Quảng Tây gọi Trấn thủ Vân Nam Liễu Tuần đến quỳ trình diện trước hàng quân, được ghi chép vào ngày 20/10/1540. Tức là quân đội đã sẵn sàng ở gần biên giới An Nam, muộn nhất là tháng 9 năm 1540. Nếu nói là Đăng Dung nghe tin, sai sứ đến cửa quân xin hàng thì đến ngày 30/11/1540 mới thực hiện nghi thức đầu hàng là quá trễ. Nếu theo Minh Thực lục là bọn Bá Ôn đã được lệnh trước của triều đình nên mới cho cái hẹn này, tức là thời gian trễ như vậy có thể giải thích được là phải chờ chỉ thị của triều đình, thì việc Bá Ôn cùng các Thú thần sau sự kiện đó lại dâng sớ xin tha cho Đăng Dung, Minh Thế tông cho đình thần bàn bạc, rồi mới chấp nhận, hóa ra là việc thừa. Nếu bàn xong mà không chấp nhận thì chẳng lẽ lại đánh tiếp.

Vậy đây rõ ràng là quyết định tùy nghi của Mao Bá Ôn và các tướng nhà Minh nhằm tránh một cuộc chiến khó khăn. Tức là màn kịch đầu hàng được dựng lên trước, chứ không phải có lệnh trước của triều đình, sau mới lấy đó để xin tha. Dĩ nhiên Mạc Đăng Dung chấp nhận. Minh Thế tông vừa mất đi sự ủng hộ của viên tướng chủ chốt, vừa bị đình thần thuyết phụcđã chẳng còn cách nào khác là phải theo. Quá trình này kéo khá dài sau ngày 30/11/1540 nên phải đến 29/4/1541 thì sử quan nhà Minh mới có thể chốt lại, và tất nhiên sẽ phải đề cao họ, bôi nhọ đối phương.

Quả như lời của Đường Trụ là nếu bới việc ra thì có thể lâm vào tình thế đánh không xong mà không đánh cũng không xong. Phải mất đến 4 năm triều đình nhà Minh hảo tổn rất nhiều tâm lực thì mới có thể hạ đài. 

Như thường lệ, họ vẫn tuyên bố toàn thắng. Minh Thế tông phán rằng việc chinh phạt An Nam là do mình quyết đoán tuy rằng vẫn có những người sự hãi và tìm cách chê trách phản đối. Tuyên công trạng và thăng cấp hoặc thưởng tiền và lụa cho gần một trăm người.

Thực tế mục tiêu chiếm An Nam hoặc dựng lại nhà Lê đã thất bại.
Việc bắt nhà Mạc phải đầu hàng trên hình thức và chấp nhận nộp cống thì lại chả cần phải nhọc công và chia rẽ đến thế, vì từ năm 1537 nhà Mạc đã chấp nhận rồi. 
Một số điều khoản Mạc Đăng Dung phải nhượng bộ như bỏ xưng niên hiệu, nhận chức An Nam đô thống ty, mãi mãi xưng là phiên thần, dùng lịch nhà Minh, chỉ là kế tùy nghi, hình thức. Nhà Mạc vẫn xưng đế hiệu trong nước, chính sách không theo nhà Minh. Quan hệ giữa hai bên về thực chất vẫn là giữa hai quốc gia, dù họ muốn gọi là gì. Bốn động họ thu hồi được thì vốn không phải là lý do khởi binh mà chỉ được thêm vào khá muộn, điều này sẽ được phân tích chi tiết.

Ngôn ngữ ngoại giao của các vua Việt đối với vua Trung Quốc đều khá tương đồng. Đó là vẫn theo lối  giả vờ thần phục, lời lẽ nhún nhường, nhận mình là thần tử trong quan hệ thứ bậc. Tuy nhiên quyền tự quyết của quốc gia, ranh giới thực chất, thì được giữ bằng thực lực chứ không có gì là xin hay cho cả.
Nhà Minh muốn cụ thể kết quả bằng việc cho giảm bớt yến tiệc đãi sứ giả An Nam để chứng tỏ không phải tiếp sứ thần một quốc gia phiên thuộc (24/05/1543), tuy vậy khi họ định bỏ việc cử quan hộ tống sứ giả ra biên giới thì sứ thần An Nam viện dẫn lệ cũ, Minh Thế tông lại phải chấp nhận (23/06/1543), chứng tỏ ngay cả trên phương diện hình thức thì y cũng chỉ làm được nửa vời. Có thể y vốn đã tuyên bố với các cận thần quyết tâm xóa bỏ nước An Nam để nhập vào Trung Quốc, nên Mao Bá Ôn phải cố gắng giúp y giữ được chút sĩ diện hão, rằng đã đạt được mục đích. Dù tổ chức ăn mừng và phong thưởng nhưng hoàng đế nhà Minh vẫn không dấu được sự cay cú suốt nhiều năm sau đó khi nhất quyết không phục hồi cho Thị lang bộ Binh Phan Trân, người can gián việc đánh An Nam, mặc dù các đại thần khoa đạo vì tiếc phẩm chất của viên quan này nên đã hơn 10 lần dâng sớ đề xuất (08/08/1548).

Thói quen xuyên tạc để hạ thấp bên ngoài và tô vẽ cho quốc gia là khá phổ biến trong việc viết sử ở Trung Quốc. Sự kiện này hẳn đã được mô tả thiếu khách quan trong Minh Thực lục qua việc họ không chính thức thừa nhận ý đồ đối với An Nam, sử về sau lại càng chép sai lệch.

Nghiêm Tòng Giản viết trong bộ sách Thù vực châu tư lục (4). chương Nam man, về lời xin hàng của Mạc Đăng Dung, đã xuyên tạc nhiều chỗ.
Ví dụ cắt đi ý "xin được theo ý nguyện của dân Di, mà tùy nghi khu xử", trong khi đó là nội dung thực chất nhất, quyết định sự độc lập của An Nam, nhà Minh không thể đoạt được. Nội dung xin cống người vàng được Minh thực lục ghi là: "Nhưng thần và người trong nước muốn theo lệ triều trước, hiến người vàng người bạc thay thế, sợ bị tội đường đột nên tâu lên để được chỉ giáo" lại được Nghiêm Tòng Giản thêm là xin cống người vàng bạc hàng năm, trong khi đây chỉ là những biệt lệ. Thời Trần, khi người Mông Cổ mới làm chủ Trung Quốc đã nhất quyết đòi vua Trần phải đích thân sang chầu, nhưng sau đó họ phải chấp nhận hình thức nhà vua đưa sang một tượng người đúc bằng vàng thay thế cho mình. Các trường hợp khác là phía An Nam cống người vàng lần lượt thay thế cho Trần Cảo, Lê Lợi, Lê Nguyên Long trong giai đoạn cần phải xoa dịu nhà Minh sau thất bại của họ, để tránh họa chiến tranh liên tiếp cho đất nước. Ngoài kiểu tài liệu tùy tiện này thì không có cơ sở nào nói rằng có lệ cống người vàng bạc hàng năm cả. 

Cao Hùng Trưng, trong bộ sách An Nam chí nguyên, thì miêu tả rằng nhà Minh vốn không thực sự động binh mà chủ yếu dọa An Nam, rút cục đạt được mục đích, tuy nhiên nội dung trong Minh thực lục đã bác bỏ ý này. 
Nhóm Trương Đình Ngọc, thời nhà Thanh, khi viết bộ Minh sử đã chép thêm rằng Mạc Đăng Dung lập tức đến hàng và lạy tạ trước cửa quân của Mao Bá Ôn, tuy nhiên các đồ họa trong cuốn sách có tiêu đề rất ngạo mạn của người Minh là An Nam lai uy đồ sách, biên soạn sát với thời gian xảy ra sự kiện 1540, cũng chỉ thể hiện hành động vái chào của Mạc Đăng Dung mà thôi. 

Các sử gia người Việt thường dựa trên những nguồn dữ liệu thiếu tin cậy này do thiếu suy xét hoặc cố ý, chẳng hạn Lê Quý Đôn đã lấy nội dung trong Thù vực chu tư lục khi soạn bộ Đại Việt thông sử (5).
Điều đó cũng là sự tiếp tay cho người Trung Quốc để hạ nhục người Việt, đồng thời ngăn cản những nhận thức khách quan nơi người tìm hiểu lịch sử.

Một điều khoản mà nhà Mạc phải tạm chấp nhận, là để cho lực lượng Lê Ninh tạm đóng ở bốn quận chiếm được ở Thanh Hóa, chờ nhà Minh tra xét lý lịch của Lê Ninh thì mới phúc quyết. 
Giai đoạn này An Nam không sử dụng đơn vị hành chính quận, vậy đây thực tế là huyện hay phủ? Theo Toàn Thư thì từ đầu năm 1539 lực lượng của Lê Ninh đã thắng rất nhiều nơi nên khó có thể họ chỉ giữ có bốn huyện được, nên chỉ có thể là bốn phủ, gồm nhiều huyện và châu. 
Sự việc để Lê Ninh được giữ những nơi đã chiếm cũng được Toàn Thư thừa nhận qua việc nhắc lại nội dung bản tâu của Mao Bá Ôn về Lê Ninh: ''...Hiện tại các địa phương đã lấy được đều thuộc quản thúc, hoặc lượng cho làm chức sự gì trực thuộc về Vân Nam. Nếu không phải con cháu họ Lê thì bỏ đấy không bàn đến nữa...'' (6). Nhà Minh sau đó chẳng tra xét gì thêm mà cũng chẳng can thiệp vào cuộc chiến giữa hai bên. Vì thế đó có thể coi là một thỏa thuận để nhà Minh giữ được chút sĩ diện là đã có bênh vực nhà Lê, nhà Mạc tạm chấp nhận để họ bãi chiến. Sau cái chết của Mạc Đăng Dung vào tháng 8 năm 1541 thì người đứng đầu là Mạc Phúc Hải, còn ít tuổi, nhà Mạc đã thiếu đi một thủ lĩnh quyết đoán để sớm đối phó với lực lượng Lê Trung hưng, đó hẳn cũng là một lý do để lực lượng này đứng chân được, kéo theo là một cuộc nội chiến kéo dài hơn nửa thế kỷ nữa.

Với thế cục mới ở An Nam, nhà Minh đã thu được lợi ích nhờ người An Nam tập trung vào những tranh đấu nội bộ, khiến hạn chế sức ảnh hưởng đến những vùng kimi dọc theo biên giới mà hai bên luôn nỗ lực để lôi kéo, tranh chấp. Trước đó, họ đã lôi kéo được nhiều thủ lĩnh ở biên giới, như Minh thực lục đề cập ở trên. Ngoài bốn động nhà Mạc phải chịu mất thì những khu vực khác nhà Mạc vẫn đấu tranh để lấy lại. Người phụ trách bang giao nhiều năm bên phía nhà Mạc là Thượng thư Giáp Hải thường ra biên giới để làm việc. Minh Thực lục cho biết thêm một số chi tiết. Dưới thời Minh Mục tông phía họ truy tặng chức Thượng thư bộ Công cho viên Tả thị lang bộ Binh Tượng Hiền vì có công đối phó với An Nam ở biên cảnh: "Lúc bấy giờ An Nam dấy binh, các vùng Lưỡng Quảng, phía nam Vân Nam tao động.'' (27/02/1568). "Năm Vạn Lịch thứ 8 [1580] có cuộc tranh chấp biên giới giữa An Nam và các hạt Lội Động, Quy Thuận thuộc tỉnh Quảng Tây, triều đình sai cắt trả lại sáu giáp, 12 thôn [có chỗ quy ra là hơn 120 thôn (12/10/1586)]. Đến nay sứ đến lại đem việc mất đất ra nói'' (22/07/1585). Minh Thần tông từng phải theo đề nghị của Tổng đốc Lưỡng Quảng Quách Ứng xin "hội các quan để khám xử An Nam và các động thuộc xứ Hạ Lôi, Quy Thuận tại biên giới. Hoặc trả lại cho An Nam, hoặc xây mốc đá định biên giới để chấm dứt tranh dành giữa hai bên'' (22/02/1584). Năm 1586 họ lại trả thêm hai thôn là Ngâm Bang và Long Phố. Những kết quả đó, hoàng đế nhà Minh cũng phải thừa nhận là do sự đấu tranh kiên trì của nhà Mạc, mà y gọi là quá đáng(12/10/1586). Một số khu vực vẫn không thể đòi lại được vì nhà Minh lấy lý do đến nay qua các đời nhân tâm đã định, một phần bởi thực tế là nhà Mạc không có điều kiện để tạo nhiều áp lực khi bị kìm chân bởi nội chiến. Quả như lời Đường Trụ với vua Minh trên tinh thần lợi ích quốc gia của họ rằng loạn ở An Nam là phúc cho Trung Quốc.


Vấn đề bốn động Ti Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát. 

Đây vốn không nằm trong tính toán ban đầu của triều đình nhà Minh, mà chỉ khi viên tri châu Khâm Châu là Lâm Hy Nguyên dâng biểu đề nghị đòi thì họ mới thêm vào yêu sách với nhà Mạc. Khi kết thúc và ban thưởng thậm chí y còn không được nhớ tới. Chỉ vào năm sau, khi cho đặt cơ sở để quản lý ở đây thì bộ Binh mới tâu rằng: "Người đầu tiên xin lấy lại bốn động này là Thiêm sự Lâm Hy Nguyên, nay đã bãi chức nhưng công không nên quên". Hy Nguyên mới được thưởng tiền và lụa (16/12/1542). 

Trong khi Minh thực lục chép là nhà Mạc trả lại bốn động trên, phía nhà Minh coi là vốn thuộc các đô Như Tích, Thiếp Lãng của Khâm Châu, thì các tài liệu ở Việt Nam lại chép không thống nhất.
Toàn Thư ghi là nhà Mạc nộp sáu động thuộc châu Vĩnh An trấn Yên Quảng. Tuy nhiên Toàn Thư cũng liền sau dẫn lời tâu của Mao Bá Ôn là Mạc Đăng Dung trả lại bốn động đã xâm chiếm. Lại chép thời điểm tâu trình của Bá Ôn là ngày 20 tháng 10 năm Tân Sửu [1541], sai lệch rất xa. Chứng tỏ tư liệu Toàn Thư về sự kiện này không đáng tin cậy. 
Đại Việt thông sử thì chép Mạc Đăng Dung xin trả 2 đô Như Tích, Chiêm Lãng, và 4 động Tư Phiêu, La Phù, Cổ Lâm, Liễu Cát. 
Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục cũng chép theo Toàn thư, sau đó đưa ra chi tiết là một trong các địa danh mà Toàn Thư nêu ra thì vẫn còn ở châu Vạn Ninh nước ta, tỏ ý nghi ngờ rằng sử cũ có thể chép sai sự thực. (7)
Hoàng Việt Dư địa chí của Phan Huy Chú, được biên soạn vào đầu thời Nguyễn, thì cho rằng số đất bị mất là hai châu Thạch Tích và Niêm Lãng cùng với bốn động. (8)
Phương Đình Dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu, được biên soạn vào thời Nguyễn, phần viết về tỉnh Quảng Yên (thời Lê và Mạc gọi là An Bang thừa tuyên, thời nay là khu vực tỉnh Quảng Ninh) giáp giới với Khâm Châu của Trung Quốc, đã dẫn nhiều nguồn khác nhau, mà tác giả gọi là cứ chép lại những điều được nghe, để đợi tham khảo, tuy nhiên khi đề cập đến sự việc của nhà Mạc ông đã đưa ra những khẳng định. Theo đó, có bốn động vốn sát nhập vào nước ta từ thời Tuyên Đức, nhà Mạc giả lại nhà Minh là giả lại đất đã lấn, không phải cắt đất để đút lót vậy (9).
Theo Thiên Nam dư hạ của triều Lê Thánh tông, do Nguyễn Văn Siêu dẫn lại cũng trong phần này, thì  An Bang thừa tuyên dưới thời Lê Thánh tông  có 1 phủ (Đông Hải), 3 huyện (Hoành Bồ, An Hưng, Chi Phong), 4 châu (Tân An, Vạn Ninh, Vân Đồn, Vĩnh An). Theo đó nước ta không có hai châu Thạch Tích và Niêm Lãng (như Phan Huy Chú viết). Lại không có hai đô (như Lê Quý Đôn viết), vì đơn vị được gọi là đô chỉ có bên phía Trung Quốc, bao gồm một số động liên kết (10), chứng tỏ người ta đã gọi các vùng đất trên theo tên do người Trung Quốc đặt từ trước. Có thể đương thời người Việt vẫn gọi theo tên cũ chứ chưa thay đổi, cho nhập vào châu Vạn Ninh. Đó là những vùng đất mà chính quyền trung ương vẫn còn quản lý lỏng lẻo, có tính chất kimi. 

Tài liệu của Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú đã mơ hồ và thiếu chính xác, nhưng họ vẫn không theo Toàn Thư. Vậy không có cứ liệu chắc chắn để bác bỏ chi tiết do Minh thực lục đưa ra, là họ lấy lại bốn động thuộc về hai đô. 

Trường hợp này phần lớn các bộ sử ở Việt Nam đều viết thiếu thuyết phục. 

Theo tài liệu của PGS Đinh Khắc Thuân dẫn từ sách Khâm Châu chí thì khu vực tiếp giáp phía đông bắc vốn có ba đô là Như Tích, Thời La và Chiêm Lãng với 7 động (11). Có bốn động thuộc đô Như Tích (Tư Lẫm, La Phù, Liễu Cát, Kim Lặc), hai động thuộc đô Chiêm Lãng (Cổ Sâm, Chiêm Lãng), một động cũng chính là đô Thời La. Như vậy quả thật bốn động Ti (Tư) Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát từng thuộc về hai đô Như Tích và Chiêm Lãng của Trung Quốc. Thời Nguyên Thế tổ động trưởng động Tư Lẫm là Hoàng Thế Hoa được ban ấn tín cai quản cả bảy động này. Khâm Châu chí còn cho biết năm Tuyên Đức thứ 2 (1427) bốn động chủ theo về An Nam với 29 thôn với 292 hộ, họ được nhà Lê phong chức tước. Sau đó, nhà Minh nhiều lần cho gọi các động trưởng này theo về nhưng không thành nên quan chức nhà Minh phải bỏ về. Những ghi chép trên có thể đã phản ánh đúng cách ứng xử của các bên. Theo đó các thủ lĩnh bản địa trên thực tế vẫn nắm quyền cai quản, họ lựa chọn theo bên nào do tính toán lợi hại dựa trên mỗi giai đoạn, họ thường được hai bên chiêu dụ thay vì áp dụng biện pháp vũ lực chỉ có tính hiệu quả nhất thời. Tóm lại đây là vùng tranh chấp ảnh hưởng, như nhiều vùng đất khác của các dân tộc thiểu số dọc theo biên giới. Trước một hoàn cảnh mà ưu thế ở biên giới nghiêng hẳn về phía nhà Minh thì nhà Mạc khó mà giữ được. Minh thực lục đã chép về thời điểm căng thẳng là "Lúc đó, các thổ quan và hào mục An Nam như Trần Tông, Hoàng Công Cán, cùng các thổ quan tại biên giới như thủ lĩnh Đào Tiên tại châu Thủy Vĩ và những người khác đều tình nguyện nội phụ". Về sau nhà Mạc đã đòi lại được nhiều thôn sau những đấu tranh kiên trì, như Minh thực lục từng ghi rõ, có những nơi không đòi được.

Vấn đề biên giới với Trung Quốc thì không chỉ nhà Mạc mà bất cứ triều đại Việt Nam nào đều gặp phải. Chẳng hạn Phương Đình dư địa chí chép một chuyện tranh chấp thời Lê trung hưng với nhà Thanh như sau: "trước kia thổ mục châu Lộc Bình là Vy Đức Thắng xâm chiếm 8 thôn thuộc châu Tư Lăng. Thổ quan nhà Thanh là Vy Vinh Riệu tố cáo với quan tổng đốc Lưỡng Quảng là Ngô Hưng Tộ, đưa thư hội khám, nhà Lê sai lũ Vũ Duy Khương đi lại tranh biện mấy năm không quyết, năm thứ 10 niên hiệu Vĩnh Trị (năm thứ 38 niên hiệu Khang Hy đời Thanh), sai Đoàn Tuấn Khoa hội đồng với ủy viên nhà Thanh khám lại. Vinh Riệu cãi không nổi, mới đem thôn Na Oa giả lại ta. Đến năm thứ 4 niên hiệu Bảo Thái (năm thứ 4 niên hiệu Ung Chính nhà Thanh), quan tổng đốc Lưỡng Quảng họ Khổng, sức cho quan Tư Lăng là Vy Thế Hoa lấy 400 lạng bạc giao cho thổ quan Lộc Bình là Vy Phúc Liêm chuộc lại đất thôn Na Oa, lại thuộc về châu Tư Lăng" (12). Số bạc trên tất nhiên chỉ là bề nổi cho những tính toán thiệt hơn dẫn đến quyết định trả đất cho họ, mà trong đó những người họ Vy ở bản địa thuộc về hai phía có vai trò khá lớn. Để phán xét về chuyện được mất cần phải dựa vào hoàn cảnh. Chỉ điều bất biến của lịch sử là những tham vọng lãnh thổ dễ kéo theo tranh chấp và chiếm đoạt.
 
Nếu Mạc Đăng Dung phải hàng một cách đúng nghĩa thì nhà Minh không thể chỉ dừng lại ở việc lấy bốn động, trong bối cảnh nhiều nơi khác ở dọc biên giới đã xin theo họ. 
Mặt khác, nếu cuộc chiến xảy ra, việc binh đao không biết bao giờ dứt, gây vô số tai họa cho dân chúng, đất đai ở biên giới vẫn có thể mất, mặc dù nhà Minh cũng phải chịu nhiều mặt thiệt hại. Đây cũng là một cơ sở để cho rằng hai bên đã có những cuộc đàm phán trước khi đi đến một nghi lễ đầu hàng có tính hình thức, khiến hoàng đế nhà Minh có thể hạ đài. Lựa chọn này có thể cho là gây ít thiệt hại nhất cho người Việt.

Ứng xử của Mạc Đăng Dung đương thời không bị chỉ trích, kể cả phe đối lập cũng không có dấu hiệu đã chỉ trích hay khai thác gì được.

Năm 1551, Lê Bá Ly vốn là bạn của Mạc Đăng Dung và làm đến chức Thái tể dưới triều Mạc Phúc Nguyên dẫn quân bỏ sang phía phía đối lập do vua nghe theo lời vu hãm của sủng thần, đã giúp lực lượng Lê Trung hưng quyết tâm đánh bại nhà Mạc. Họ tấn công thẳng vào Thăng Long, phát lời kêu gọi mọi người hưởng ứng. Trong bản văn nôm của Lê Bá Ly, còn được lưu truyền đến ngày nay, đã chỉ trích nhà Mạc nhiều mặt kể cả gọi việc lên ngôi mà ông đã từng dốc sức khuông phò là "thác thiên nhường mà lấy thiên hạ, sự chẳng bình tai mặt khôn che(13), tuy nhiên đã không hề có một chữ nhắc đến sự kiện giữa Mạc Đăng Dung và nhà Minh, chứng tỏ không thể khai thác được gì về sự kiện này. Rút cục họ phải nhanh chóng rút về phía nam vì không thể lôi kéo được dân chúng chống lại nhà Mạc.
 
Trong xã hội đương thời đã lưu truyền một câu chuyện gửi thư đối đáp giữa thời điểm hai bên đã chuẩn bị ở biên giới.

Mao Bá Ôn gửi sang bài thơ Vịnh bèo, tỏ ý coi thường và đe dọa, mục đích nắn gân:

"Dọc theo ruộng nước bám như châm
Rể bám vào đâu cũng chẳng thêm
Vờ có căn nguyên, vờ có lẽ
Dám chi sạch tiết, dám chi tâm
Tụ rồi đã chắc chi khi tán
Nổi đó nào hay đến lúc chìm
Gặp trận trời cho cơn gió lốc
Quét tan hồ bể khó mà tìm"

Bên phía nhà Mạc đã cho trạng nguyên Giáp Hải họa lại như sau:

"Chen nhau vảy gấm khó luồn kim
Cành rễ liền nhau chẳng kể thân
Tranh với bóng mây trên mặt nước
Hé dung ánh nhật lọt dòng tâm
Nghìn trùng sóng đánh thường không vỡ
Muôn trận phong ba cũng chẳng chìm
Nào cá nào rồng trong ấy ẩn
Cần câu Lữ Vọng khó mà tìm." (14)

Nội dung lời đáp trả đã vừa tránh khiêu khích đối phương nhưng thể hiện được khí phách không hề khiếp nhược.
Câu chuyện này là một minh chứng cho thái độ ứng xử của triều đình nhà Mạc. Chính thái độ đó, mới khiến cho người Minh phải chấp nhận một màn thần phục giả vờ, mà họ cố mô tả thành một thắng lợi. Chỉ có thái độ không khiếp sợ mới thực sự chặn được cuộc chiến.

Sau sự kiện biên giới, Mạc Đăng Dung lại về Cổ Trai. Ông qua đời 9 tháng sau đó, vào tháng 8 năm 1541, thọ 58 tuổi. Người cháu nội trẻ tuổi là vua Mạc Phúc Hải cũng qua đời vào năm 1546, liên tiếp sau đó là hai đời vua mà phần lớn thời gian trị vì đều ở tuổi chưa trưởng thành, đất nước lại chịu cảnh chiến tranh liên tiếp, chế độ dần dần suy kém, đến năm 1592 thì mất về tay lực lượng Lê Trung hưng. Sở dĩ triều Mạc kéo dài thêm được khá nhiều năm là nhờ công đức lớn của hai vị vua đầu tiên là Thái Tổ Mạc Đăng Dung và Thái Tông Mạc Đăng Doanh đối với xã tắc. 

Trong cuộc đời, Thái Tổ Mạc Đăng Dung đã có hai cống hiến lớn cho dân tộc, đó là đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện cuối thời Lê sơ để bước vào một giai đoạn thái bình hiếm có trong lịch sử, và hóa giải được một cuộc xâm lăng bằng những biện pháp ứng xử khôn khéo. 
Đặt trong hệ giá trị phổ quát, coi cuộc sống của người dân là trên hết, thì Mạc Thái Tổ xứng đáng được dân tộc tôn vinh với những gì ông đã cống hiến.

Nhận thức đúng đắn và biết trân trọng những giá trị chân chính là bước khởi đầu cho một xã hội tốt đẹp.


Nguồn tham khảo, trích dẫn, chú thích: 

1. https://giacngo.vn/vanhocnghethuat/2008/05/27/56541B/?webmode=pc

2. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Nxb Sử học, H. 1960, tập 1, tr. 180.

3. Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút, bản dịch Nguyễn Hữu Tiến, Nxb Văn học, xb2017, tr181
4.  Đinh Khắc Thuân, Góp phần nghiên cứu lịch sử triều Mạc ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, xb2013. tr 36 đến 39                                                                                                    5. Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, bản của Quốc sử quán triều Nguyễn, Lê Mạnh Liêu dịch. 6. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch Cao Huy Giu, Đào Duy Anh hiệu đính và khảo chứng, Nxb Thời Đại, xb 2013, tr835
7. Quốc Sừ quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, sđd, tr116
8.  Phan Huy Chú, Hoàng Việt Dư địa chí  (Tổng tập dư địa chí Việt Nam, tập1Nxb Thanh Niên, 2012, tr975)
9. Nguyễn Văn Siêu, Phương Đình Dư địa chí (in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam, tập1Nxb Thanh Niên, 2012, tr1214)
10. Đinh Khắc Thuân, Góp phần nghiên cứu lịch sử triều Mạc ở Việt Nam, sđd, tr32
11. Đinh Khắc Thuân, Góp phần nghiên cứu lịch sử triều Mạc ở Việt Nam, sđd, tr57,58
12. Nguyễn Văn Siêu, Phương Đình Dư địa chí, sđd, tr1237,1238
13. Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, sđd 
14. Bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Thủ, nguồn thivien.net