Search This Blog

Monday, February 12, 2024

Ngôn ngữ và lịch sử

 

Chữ Hán, trước đây được người Việt gọi là chữ Nho, được vay mượn và sử dụng trong một thời gian rất dài, đó là điều rất rõ ràng, tuy nhiên vấn đề âm đọc và tiếng nói thì không hề rõ ràng tí nào.

Từ xưa, người hai nước gặp nhau thì vẫn cần có phiên dịch nếu không bút đàm bằng chữ Hán.

Ngay cả từ “Nho”, gắn với chữ 儒,khái niệm có thể coi là rất Hán,thì người Hán nghe vẫn không thể hiểu, bởi vì họ gọi nó là “rú”.Một ví dụ khác, là từ “Nguyễn”, gán với chữ 阮,chỉ một họ rất phổ biến ở Việt Nam, thì người Hán thường đọc là “ruǎn”, âm khác nhau hoàn toàn.

Tuy rất nhiều trường hợp, sự khác biệt đã ở mức không thể nào thiết lập được sơ đồ chuyển hóa ngữ âm một cách thuyết phục, vậy nhưng giới ngôn ngữ học hiện thời vẫn coi phần lớn các từ đọc chữ Hán của người Việt  vào dạng Việt gốc Hán, còn gọi là từ Hán Việt.  Liệu điều đó có chính xác?

Xin đưa ra cách giải thích mới, lấy các từ “Nguyễn” và “Nho” làm ví dụ.

“Nguyễn”, chữ 阮,  âm Hán là “ruăn”, là một họ của người Hán, xuất phát từ phía bắc Trung Quốc. Theo chủ trương đặt danh tính kiểu Hán,một chính sách nhằm xây dựng con người và xã hội theo hình mẫu Trung Hoa, những người phương nam được gán chữ này, nói cách khác là mượn chữ. Họ không có khái niệm tương ứng để dịch nó, lại không chọn cách gọi kiểu Hán, nên cách tiện nhất là liên hệ đến một cái gì đó có sẵn để đặt cho nó cái tên.

Âm “ruǎn” trong tiếng Hán còn được biểu thị bằng chữ 軟, chỉ một khái niệm tương ứng trong tiếng Việt là “nhuyễn”, nên người ta gọi chữ 軟 là“nhuyễn”, đó là phép liên hệ đồng nghĩa, tức là phép dịch một khái niệm hai bên đều có sẵn. Bởi phép dịch này mà rất nhiều từ thuộc nhóm gọi là “Hán – Việt” không có âm Hán nhưng lại có âm giống hoặc gần giống với các từ Việt được sử dụng rộng rãi trong dân gian. Ví dụ:

  • Ác |恶  wū | ác            
  • Hiền | 賢 xián | hiền    
  • Khởi |启 qǐ |khơi       
  • Nguyên, Ngươn |元 yuán | nguồn   
  • Tán, Tản |散  sǎn| tan   
  • Hợp |合  hé |hợp   
  • Ánh  |映  yìng| ánh
  • Áp | 压 yā |ép
  • Bạc (mỏng, nhạt) | 薄 báo| bạc
  • Khốc | 哭 kū | khóc
  • Tiếu | 咲 xiào| tếu
  • Trệ | 滞zhì  | trễ
  • Tổn | 损 sǔn|tốn
  • Ca | 歌 gē | ca (ca hát)
  • Âm | 音 yīn  | ầm (âm thanh)
  • Xuy | 吹 chuī | xùy (tiếng thổi)
  • Đàm | 痰  tán | đờm
  • Đáp | 畣 dā |đáp
  • Đạp | 踏 tā | đạp
  • Tăng | 增 zēng | tang
  • Giảm | 减 jiǎn | giảm

…)

Cặp “roăn” 軟-  “nhuyễn” chính là gợi  ý để đặt từ trong cặp chưa hoàn thiện “ruǎn” 阮 – [?] là “nguyễn”. Đó chỉ là phép liên hệ đồng âm Hán - Hán và Việt - Việt, tức là phép dựa, mà thôi. Cách làm này còn tiện cho người học, là khi học đến chữ 阮 thì người ta có thể đặt chữ 軟 đã được dạy trước ở bên cạnh, người học sẽ được gợi ý về âm của nó.

Trường hợp từ “Nho” trong tiếng Việt, chỉ các phạm trù xoay quanh hệ thống lý thuyết do Khổng Tử khởi xướng. Tên gốc của nó ở Trung Hoa là “rú”, viết là 儒. Ban đầu người bản địa không có khái niệm tương đương nên không thể dịch. Họ lựa chọn cách đặt tên cho nó thay vì mượn. Có một chữ khác cũng có âm “rú”, đó là 如, có nghĩa là “như”, “như nhau”, nên chữ 如 được gán với từ “như” trong tiếng Việt. Nếu theo phương pháp dựa, như trường hợp trước, thì chữ 儒 có thể được đặt tên bản địa gần với “như” hoặc “nhau” cho tiện và dễ nhớ. Người ta gọi nó là “nhu”, “nho”, và nó còn được dùng để ghi từ “nhô” (theo Từ điển Hán Nôm - hvdic.thivien.net)là vì thế. Các âm “nho” hay “nhô” có nghĩa “nhau”, theo phương ngữ Quảng Nam, kiểu tiếng nói mà nay tồn tại ở khu vực từ Quảng Nam đến Phú Yên. Lời giải thích sẽ chứng tỏ sự hợp lý nếu chỉ ra khả năng các âm “kiểu Quảng” thời xưa đã từng phổ biến rộng rãi ở miền Bắc.

Xét thêm một số âm “kiểu Quảng”:

- “nôm”, nghĩa là “nam”. Âm này hiện diện trong “chữ Nôm”, cho thấy phạm vi ảnh hưởng của nó đã từng bao phủ cả phần phía bắc Việt Nam ngày nay. “Nôm” đã hoặc là từ duy nhất hoặc cùng tồn tại với “nam” và nó là tiếng nói của một thành phần có thể xây dựng “chữ Nôm” và áp đặt được tên gọi kiểu Quảng đó cho xã hội, tức là có quyền thế hơn.

- “nồm”, nghĩa là “nằm”. Nó hẳn là gốc của từ “lồm cồm”, nghĩa là trạng thái chống tay bò dậy từ trạng thái nằm. Sơ đồ chuyển hóa như sau: “nồm” – “nồm cồm” (âm địa phương bảo lưu ở nhiều vùng duyên hải Bắc Bộ) – “lồm cồm”.

- “bỡ”, nghĩa là “vỡ”, “bể”. Ở Bắc Bộ, nó đã chuyển hóa thành “vỡ”. Các trường hợp từ vốn có phụ âm đầu “b” sau chuyển thành “v” được ghi nhận rất nhiều. Ở Bắc Trung Bộ, nó đã chuyển hóa thành “bể”.

- “đốp”, nghĩa là “đáp”. Từ “đốp” có thể đã từng được nói rộng rãi ở phía Bắc, mà nay còn tồn tại trong hình thức “đốp lại”, nghĩa là “đáp lại” một cách rõ ràng và kém nể nang.

- “thoải” và “bơ”. Tên gọi của hai nhân vật được thờ phụng rộng rãi trong tín ngưỡng Mẫu hệ ở phía Bắc là “Mẫu Thoải” và “Ông Hoàng Bơ”. ”Thoải” tức là “Thủy”,“Bơ” tức là “Ba”. Vậy các âm cổ khá gần với phương ngữ Quảng Nam này cũng từng được sử dụng rộng rãi ở phía Bắc

- “dong”, tương đương với từ “dung” ở phía Bắc. Phía Bắc vẫn còn có âm “dong” trong khái niệm “hình dong” - “Xem mặt mà bắt hình dong”. Theo một tài liệu lịch sử viết bằng chữ quốc ngữ ở Đàng Ngoài năm 1659 của một thầy giảng Đạo Thiên Chúa người Việt là Bento Thiện thì “Dong” mới là tên của các nhân vật lịch sử mà nay chép là Đặng Dung và Mạc Đăng Dung. Vậy có thể xác định âm “dong” từng được dùng rộng rãi ở phía Bắc.

- “dõng”, tương đương với từ “dũng” ở phía Bắc, nghĩa là mạnh mẽ. Ở miền Bắc, nó không được dùng ở thể đơn nhưng vẫn có trong từ kép “dõng dạc”. Từ đây cũng có thể hiểu rằng tên gọi “Ông Gióng“, tức là “Thánh Gióng”, thực chất là “Ông Dõng”, tức là “Ông mạnh mẽ”, hoàn toàn rõ nghĩa và phù hợp với hình tượng nhân vật này trong dân gian. Cái tên Phù Đổng là theo hai chữ Hán 扶 董 - dǒng, vốn là mượn âm “Bố Dõng”  mà viết, rồi lại đọc ra theo một cách hơi khác, thành “Phù Đổng”. “Bố Dõng”  tức là “Vua Khỏe”,  tương tự “Bố Cái” nghĩa là “Vua Lớn”. Vậy  “dõng” cũng là một từ cổ ở phía Bắc. 

- “huề”, “huê”, “hoe” là những từ chỉ danh tính vẫn tồn tại ở phía bắc, mặc dù họ không hiểu rõ ràng, mà người phía nam thì lại hiểu rõ. Rất có thể ở phía Bắc các từ “kiểu Nam” này từng được hiểu rõ ràng nên mới thuộc vào tập hợp danh tính, rồi người sau tuy không hiểu nhưng vẫn đặt theo. Người ta dùng từ “vàng hoe” mà có lẽ không hiểu “hoe” nói theo “kiểu Nam” tức là “hoa”. Có nơi dùng  từ “hoe” đứng phía trước tên tục, thành một tên kép dân dã, nhưng không biết rằng nó bắt nguồn từ một quan niệm triết học, coi mỗi con người như một bông hoa.      

Các dấu hiệu trên củng cố cho lý giải về nguồn gốc của từ “nho”,  và cho nhận định nhiều từ thuộc kiểu “âm Quảng Nam”, đã tồn tại từ rất lâu trước khi triều đình Đại Việt lấy được vùng đất phía nam Hải Vân, nơi mà họ đặt chung vào một đơn vị gọi là “trấn Quảng Nam”.

Như vậy là đã có hai phép đặt tên cho chữ Hán, trái ngược với nhận thức hiện nay về cái gọi là các từ gốc Hán.

Một là phép dịch. Tức gọi tên chữ Hán bằng chính tên của khái niệm đồng nghĩa ở bản địa. Nhờ phép dịch, nhiều chữ Hán có tên và nghĩa trùng hoặc gần trùng với các khái niệm cơ bản của bản địa. Ví dụ: tản – tan; tàn – tàn; tổn – tốn; khốc – khóc; cảm – cảm; lãnh – lạnh; loại – loài; cao – cao, cát – cắt … Những trường hợp không hoàn toàn trùng âm, có thể do ban đầu người ta cố ý gọi trệch một chút để phân biệt trí thức và bình dân, hoặc cũng có thể sự tách rời xảy ra từ từ sau đó. Xu hướng ngày nay nhìn nhận không chỉ  các từ đứng trước mà cả các từ đứng sau của mỗi cặp đều có gốc Hán. 

Hai là phép dựa. Tức là khi muốn đặt tên cho một chữ Hán mới thì người ta tìm một chữ Hán đồng âm gốc mà đã được chuyển đổi âm, rồi dựa vào âm đã chuyển đổi đó để đặt một âm tương tự cho chữ mới. Ví dụ    仁 rén (nhân/nhơn trong hạt) = “nhân/nhơn”, nên 人 rén (người) cũng được đặt tên là “nhân/nhơn”. Những tên được tạo theo kiểu dựa theo này đương nhiên không giống với các tên vốn có của sự vật, chúng bị quy vào gốc Hán.

Tất nhiên không thể bỏ qua rất nhiều trường hợp mà giữa tiếng Hán và Việt là vừa đồng nghĩa vừa đồng âm, mà đến nay ít ai phủ nhận là từ phương Bắc lan xuống. Tuy nhiên, có những cơ sở cho thấy điều đó cũng không hoàn toàn đúng. Xin lấy yếu tố Kỷ Băng Hà làm ví dụ.  Ngày nay người ta biết rằng kỷ Băng hà trên trái đất mới kết thúc cách nay khoảng 12.000 năm, từ đó trái đất nhìn chung là ấm dần lên. Quá trình ấm lên đó khiến các vùng có thể tụ cư được mở  rộng từ phía xích đạo. Vậy thì phía nam mới là nơi phát triển trước, mặc dù sau đó thì xã hội nông nghiệp và yếu tố nóng nực đã khiến họ trở nên kém thế so với những vùng đất mới ở phía bắc. Những vùng đất tụ cư mới, nơi vừa có khí hậu mát mẻ, phù hợp hơn với hoạt động sáng tạo, lại là nơi kết hợp được yếu tố mạnh mẽ của lớp dân săn bắn và du mục. Từ đó các trung tâm văn minh dịch chuyển dần lên, kéo theo nó là những thành quả từ phương nam, tức là có cả văn hóa và ngôn ngữ.


Lại xin bàn về vấn đề danh tính                                                                                                                                                                 

Sau mỗi danh từ chỉ họ của người Việt thường kèm một tên lót, hay còn gọi là tên đệm. Tên lót thông dụng của con gái thường là “thị”. Có nhiều tên lót cho con trai, trong đó có một số từ có thể xếp vào tập hợp có mức độ thông dụng cao, như “văn”, “đình”, “sỹ”, ‘viết”,  “xuân”, “hữu”…

Quy chiếu theo tiếng Hán điển hình thì các tên lót vừa nói trên được biểu thị như sau:

  • Văn  – wén (文) = văn, vẻ, vết
  • Đình – ting (廷) hoặc (亭)= triều đình,cái đình; ngừng
  • Sỹ - shì (士)= học trò, quan
  • Viết – yuē (曰) = nói rằng
  • Xuân – chūn (春)= mùa xuân
  • Hữu – yǒu (有)= có, sở hữu

Tập hợp này không có vẻ mang một tính chất chung nào. Trong tập danh tính của người Hán chúng không phải là những từ có mức độ phổ biến cao như với người Việt. Trong danh tính của người Việt, chúng thường không đủ gắn bó với từ đứng trước để tạo thành một tổ hợp được công nhận là họ kép, cũng không đủ gắn bó với từ đứng sau để tạo thành một tên kép, đây là khác biệt khá lớn so với kiểu danh tính của người Hán. Sự khác biệt giữa âm Hán và âm Việt của một số chữ cũng đáng kể.

Có thể cho rằng các tên lót trên được ban đầu giới trí thức bản địa lập nên, với một đặc trưng nào đó mà đến nay chưa được giải thích. Chúng lại có vẻ có mức độ ngoại lai nhất định.

Chúng ta hãy thử xem xét khả năng ngôn ngữ bản địa còn chịu chi phối bởi yếu tố bên ngoài nào trước Hán không?

Khu vực Việt Nam nằm giữa hai khối văn minh lớn là Trung Quốc và Ấn Độ. Xét về mặt khí hậu thì khối Ấn Độ gần gũi hơn. Có thể xếp lãnh thổ Ấn Độ cùng với Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc vào vùng địa lý Nam Á. Có nghĩa là rất có thể xã hội ở đây chịu ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ trước, sau đó  nền văn minh Hán mới từ lưu vực sông Hoàng Hà phía bắc mở rộng theo biên giới chính trị, và đồng hóa phía nam sâu sắc, che mờ tác nhân đến trước. Một số tài liệu Trung Quốc cho biết về sự hiện diện của người Ấn ở khu vực phía đông từ rất sớm, qua những ghi nhận về thành Nê Lê của A Dục Vương, tháp A Dục Vương. Sách “Thủy Kinh chú”, quyển thứ 37, cho biết có tòa thành được gọi là Nê Lê, được cho là của A Dục Vương, xây dựng bên một con sông thuộc huyện An Định, quận Giao Chỉ.  Sách “Lương thư”, quyển thứ  54, cho biết năm 537 vua Lương Cao Tổ đã cho dỡ tháp cũ A Dục Vương để làm lại, trong tháp có xá lị cùng móng tay và tóc của Phật. A Dục Vương, tức là Ashoka, trị vì xứ Ấn Độ từ năm 273-232 TCN, giai đoạn mà địa bàn chính trị của người Hán hầu như chưa vượt qua sông Trường Giang.

Hẳn văn hóa và ngôn ngữ của người cổ trên đất Việt cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ Ấn Độ.

Từ vựng các nhóm ngôn ngữ Ấn liên hệ gần gũi với nhau là tiếng Pali, tiếng Phạn, tiếng Hindi cho thấy có nhiều mối liên hệ với tiếng Việt. Chẳng hạn:

  • bebee बेबी - đứa bé
  • bachche बच्चे – [những đứa] trẻ
  • mau मौ – mẫu (mẹ)
  • mausee मौसी – dì
  • mahila महिला (phụ nữ, giống cái) – mạ (mẹ, giống cái trưởng thành)
  • main मैं – mình (tôi)
  • dal दल (đàn) – đàn
  • beda बेड़ा (bè, hạm đội) – cái bè, bè phái
  • aaka आका (ông chủ, bậc thầy) – cả
  • kumara कुमार (bé trai) – cu
  • itthī (người phụ nữ) – thị
  • kah कह (nói) – kể
  • chamada चमड़ा – da
  • munh मुँह  – mồm
  • chaal चाल (di chuyển) – chân
  • jao जाओ (đi, qua) – dạo
  • ande अंडे (trứng) – đẻ
  • nay नय (mới) – nay
  • nek नेक (sự lương thiện) – nết
  • ke paas के पास (gần, kề) – kề
  • saath साथ (với, cùng) – sát
  • baen बाएं (bên trái, bên cạnh) - bên
  • ghat घट (giảm bớt) – ghạt
  • chhud छुड (giải phóng, thả ra) – trút
  • dher ढेर (nhiều, đống) – đầy
  • has हास (sự cạn kiệt) – hết
  • rang रंग (màu sắc) – ráng
  • shyaam श्याम (đen nhẹ, sậm) – sẫm
  • shaam शाम (tối, đêm xuống) – sẩm

Có vẻ từ “itthī” trong tiếng Pali, với nguyên âm dài ī được nhấn mạnh hơn nguyên âm trước là nguồn tạo nên từ “thị” và cả từ “y thị” trong tiếng Việt, chứ không phải từ “shì” trong tiếng Hán.

Theo đó, một bé gái được đặt tên, thí dụ: Nguyễn Thị Tý, có nghĩa là: Tý, con gái nhà họ Nguyễn.

Như đã nói ở phần trên, “Nguyễn” không phải là từ gốc Hán.

Bây giờ tôi thử giải mã chữ lót trong họ tên của một bé trai qua một họ tên có tính tiêu biểu là Nguyễn […] Tý.

  1. Văn. Từ này có thể vốn là “vansh”  hay “vansā” – वंश trong nhóm ngôn ngữ Ấn, mang nghĩa là dòng dõi, hậu duệ, đường kẻ. Vậy, Nguyễn Văn Tý có nghĩa là: Tý, dòng dõi họ Nguyễn.
  2. Đình. Từ này có thể vốn là “đìkh” – दीघ trong nhóm ngôn ngữ Ấn, mang nghĩa là dài, kéo dài. Vậy, Nguyễn Đình Tý có nghĩa là: Tý, nối dòng dõi họ Nguyễn.
  3. Xuân. Từ này có thể vốn là “vasant” - वसंत  trong nhóm ngôn ngữ Ấn, mang nghĩa là mùa xuân. Vậy, Nguyễn Xuân Tý có nghĩa là: Tý, mùa xuân của họ Nguyễn.
  4. Sỹ. Từ này có thể vốn là “śiṣya” - शिष्य, nghĩa là đệ tử; hoặc “shishu”, nghĩa là trẻ sơ sinh, trong nhóm ngôn ngữ Ấn. Vậy, Nguyễn Sỹ Tý có nghĩa là đệ tử nhà họ Nguyễn hoặc đứa trẻ nhà họ Nguyễn.
  5. Viết. Từ này có thể vốn là “vidyā” - विद्या, nghĩa là học sinh, hoặc vidyarthi, nghĩa là học sinh hoặc người mới bắt đầu, trong nhóm ngôn ngữ Ấn. Vậy, Nguyễn Viết Tý có nghĩa là đệ tử nhà họ Nguyễn hoặc đứa trẻ nhà họ Nguyễn.
  6. Hữu. Trong nhóm ngôn ngữ Ấn có từ  हो, ký âm là “ho” hoặc “haw”, đọc theo âm Việt gần như là “hou”, mang các nghĩa: là, có, được, hiện hữu…Âm này rất gần với cách đọc chữ “hữu” theo phương ngữ từ Quảng Nam trở vào. Nó cũng tồn tại trong tiếng Cham với cùng nghĩa, chỉ khái niệm “có”, “hiện hữu”. Rất có thể đó là tiền thân của âm “hữu” trong tiếng Việt phổ thông hiện nay. Do vậy, Nguyễn Hữu Tý có thể có nghĩa là: Tý, là/có họ Nguyễn.

Các từ lót trên còn thể hiện một tính chất khá nhất quán, đó là cùng nhìn nhận về một đứa trẻ, chỉ khác nhau về góc độ. Xét một cách hệ thống cả về mặt ngữ âm, ngữ nghĩa và tính thống nhất, thì tập hợp này gần gũi và có tính hợp lý hơn hẳn tập hợp tiếng Hán trong mối tương quan với các từ Việt.  Hẳn chúng phản ánh quan niệm của thời kỳ đầu tiếp thu văn hóa Hán khi những trí thức bản địa đã có nền tảng văn hóa Ấn. Nhờ có ưu thế “đời đầu”, chúng được phổ biến hơn các tên lót khác.

Có thể người ta đã sử dụng phép dựa theo để gán vào các chữ Hán.  Mặt khác,  có thể chúng đã đồng cả âm và nghĩa do tiếng Hán cũng có sự vay mượn từ ngôn ngữ phương nam, chẳng hạn từ  shì(士)trong tiếng Hán mang nghĩa là học trò, người có học, có thể phát sinh từ “śiṣya” trong tiếng Phạn.

Có rất nhiều ví dụ về sự ảnh hưởng của ngôn ngữ và văn minh Ấn Độ lên Trung Hoa, hơn hẳn chiều ngược lại.

Sau đây xin liệt kê một số trường hợp đối chiếu nhóm âm Ấn và Hán để minh họa cho nhận định trên, đồng thời tác giả cũng xin để cách gọi theo tiếng Việt sau mỗi cặp để minh họa thêm cho quan điểm tiếng Việt chịu ảnh hưởng của nhóm ngôn ngữ Ấn:

  • mukhiya(người đứng đầu, chủ) मुखिया – mù 牧- Mục
  • naukar (người hầu)  नौकर –  nú 奴– Nô
  • sainik (lính) सैनिक – shǐ  (sai khiến) 使 – Sai, Sử
  • mau(mẹ) मौ – mǔ 母= Mẫu
  • ma (mạ, mẹ) मा – Mā 妈 – Mạ
  • mausee (dì) मौसी  – yí 姨 – Di, Dì
  • sat (sự thật) सत् –sat 实 – Thật
  • Jaalasa (giả dối) जालसा - Jiǎ 假 – Giả
  • jal (nước) जल  – 江jiāng (sông) – Giang
  • dand (một sự trừng phạt) दंड – Dǎn (đánh) 掸 – Đàn
  • diya दिया (đưa cho) – dì 遞 – Đệ, Đưa  
  • da (hai, một nhóm) –  duō (nhiều)  多 – Đa
  • daksh (có hiệu quả)  दक्ष  –     得 (được) – Đắc
  • soojan (viêm)  सूजन – Yán (viêm nhiệt) 炎 – Diễm
  • kampan (rung, động)  कंपन – gǎn 感 – Cảm
  • ganna (mía, đường mía)  गन्ना – 甘gān (ngọt) – Giá (mía)
  • haani (mất mát, tổn hại) हानि,  - hán (mồ hôi) 汗; hàn (giữ gìn) 捍 – Hãn
  • pashu पशु (súc vật) - chù, xù畜 - Súc
  • sher (con sư tử) शेर – shi 狮– Sư
  • saanp (con rắn) साँप  - 蛇 shé – Xà
  • jaisa (bằng, như)  जैसा  – 偕 jiē  – Giai
  • dūr (khoảng cách) दूर - dù 度 – Độ
  • bada(to lớn) बड़ा – bà 霸; 大  – Bá, Đại
  • vibhaaj (phân chia) विभाज - wei 微 – Vi (nhỏ bé, suy)
  • vishaal (to lớn) विशाल – wei 伟 - Vĩ (to lớn)
  • sangh(cùng nhau) संघ – suang 双 - Song
  • shuroo(bắt đầu) शुरू - chu初 – Sơ
  • hua(đã xảy ra) हुआ - hua化 – Hóa

Cuối cùng, xét đến từ “Tý”, cái tên vừa được sử dụng ở trên.

“Tý”, hay gọi thân mật hơn là “Cu Tý”  là cái tên thông dụng nhất trong tiếng Việt. “Tý” nghĩa là “nhỏ bé”.  

Trong nhóm ngôn ngữ Ấn, có từ “choti”, viết là छोटी, cũng có nghĩa là “nhỏ bé”.

Với những dấu hiệu vay mượn những từ khá cơ bản, vừa được trình bày ở trên, thì có thể cho rằng từ “choti” đã giản lược thành “tý” trong tiếng Việt.

Nó cũng có nghĩa là “ty” được gán với chữ 卑 (nhỏ bé,khiêm tốn), của người Hán, mà họ đọc là “bēi”. “Ty” không phải là từ gốc Hán hay “từ Hán Việt”, như bấy nay người ta vẫn mặc nhận.

Mức độ vay mượn cũng cho phép nhận định rằng cả từ “Cu” trong “Cu Tý” thì cũng mượn từ “Kumāra” trong ngôn ngữ Phạn và Pali, mà nghĩa thông dụng là “cậu bé”, rồi giản lược đi.

Sự giản lược âm tiết là một xu hướng biến đổi của ngôn ngữ. Quá trình đơn tiết hóa để hình thành ngôn ngữ Việt ngày nay đã xảy ra như thế nào và chịu ảnh hưởng các tác nhân nào là một vấn đề phức tạp.

Tóm lại:

Từ phương diện danh tính và ngôn ngữ cho thấy tuy yếu tố Trung Hoa ảnh hưởng to lớn và khá toàn diện đến con người và xã hội Việt Nam nhưng điều đó đang được đánh giá quá mức so với thực tế. Mặt khác, yếu tố bản địa chưa được coi trọng như cần phải có, vai trò của mảng ngôn ngữ Ấn Độ ít được xem xét, mặc dù nó hiện diện trước lớp Hán và có ảnh hưởng sâu sắc. Để giải mã những bí ẩn của lịch sử, của ngôn ngữ và tìm hiểu căn tính dân tộc thì cần phải phá bỏ những bức tường định kiến.