Search This Blog

Thursday, June 30, 2022

Lâm Ấp – Hoàn Vương – Chiêm Thành và những khuất khúc của lịch sử Việt Nam

 


Khu vực Làng Vạc, một di chỉ lớn của người Việt cổ

Qua các bài viết trước, tôi đã chỉ ra vị trí các thành Điển Xung và Khu Túc của nước Lâm Ấp.

Thử xác định vị trí một số quận huyện trên đất Lĩnh Nam thời Hán; Tìm khu vực trống đồng; Tìm kiếm căn nguyên của một số ngộ nhận lịch sử.

Xác định vị trí kinh thành Điển Xung của nước Lâm Ấp


Sử sách Trung Quốc ghi nhận nhiều cuộc xung đột với Lâm Ấp trong giai đoạn mà ngày nay gọi là Lục triều (220-589). Đây là giai đoạn nội bộ Trung Quốc bị phân liệt, nội chiến liên tục, nên họ không đủ sức cai trị Lâm Ấp, dù đã từng tiến vào phá hủy kinh thành Điển Xung.

Nhà Tùy sau khi thống nhất Trung Quốc, đã phát động một cuộc xâm lược do Lưu Phương cầm đầu, vào năm 604-605, và chia khu vực chiếm được thành ba quận. Nhà Đường thay thế nhà Tùy vào năm 618, tiếp tục cai trị cho đến năm 905. Đó là mảnh đất mà họ từng đặt tên là An Nam đô hộ phủ. Vua Lâm Ấp là Phạm Chí bỏ chạy, dựng thành ấp ở nơi khác.

Theo bộ Tân Đường thư, quyển 222, sau niên hiệu Chí Đức nhà Đường (756-758), Lâm Ấp đổi quốc hiệu là Hoàn Vương. Tân Đường thư cũng cho biết Hoàn Vương cũng gọi là Chiêm Bất Lao, hay là Chiêm Bà.

Cựu Đường thư, quyển 197, cho biết Lâm Ấp phía bắc giáp Hoan Châu. Tân Ngũ đại sử, quyển 74, cho biết Chiêm Thành phía đông tới biển, phía tây tới Vân Nam, phía nam giáp Chân Lạp, phía bắc tới Hoan Châu. Tống sử, quyển 489, cho biết Chiêm Thành phía đông tới biển, phía tây tới Vân Nam, phía nam đến nước Chân Lạp, phía bắc tới địa giới Hoan Châu. Phía nam gọi là châu Thi Bị, phía tây gọi là châu Thượng Nguyên, phía bắc gọi là châu Ô Lý. Tân Đường thưquyển 43 hạ ghi [Trần Trọng Dương dịch]: “Đạo Lĩnh Nam: Một đường từ phía đông Hoan Châu đi hai ngày, đến huyện An Viễn của châu Đường Lâm, đi về phía nam qua sông Cổ La, đi hai ngày đến sông Đàn Động của nước Hoàn Vương. Lại đi bốn ngày đến Chu Nhai. Lại đi hai ngày qua Đan Bổ Trấn, đi hai ngày đến thành nước Hoàn Vương, thời Hán xưa gọi là đất Nhật Nam vậy”.

Điều khó giải thích là tại sao phía bắc Lâm Ấp giáp Hoan Châu, vùng đất được cho là Nghệ An – Hà Tĩnh sau này, mà phía tây lại có thể giáp với Vân Nam, một khu vực rất xa về phía tây bắc. 

Theo cách ghi nhận của Tống sử thì có thể hiểu Hoan Châu và Vân Nam là các địa phương của Trung Quốc chứ không phải là ngoại quốc như Chân Lạp. Giao Chỉ cũng được Tống sử chép là ngoại quốc. Đây là một cơ sở để cho rằng Hoan Châu này không phải là Hoan Châu vùng Nghệ Tĩnh.

 Nếu Hoan Châu trong các trường hợp nói trên là vùng Nghệ Tĩnh sau này, thì có nghĩa là châu Đường Lâm phải ở về phía nam của Nghệ Tĩnh chứ không phải từ phía Sơn Tây ngược lên vùng Tây Bắc. Điều đó cũng có nghĩa là quê hương của Phùng Hưng và Ngô Quyền rất có thể không phải ở Đường Lâm Sơn Tây, mà đó chỉ là kết quả của những ghi chép sai lạc. Tuy nhiên vị trí của Đường Lâm Sơn Tây là không thể bác bỏ được, dù một số nhà nghiên cứu cũng đã có những nỗ lực thực hiện. Bạn đọc quan tâm có thể xem thêm bài này: Vấn đề vị trí châu Đường Lâm.

Vậy thì có thể xác định Hoan Châu này ở khu vực tây nam Quảng Tây, kề với Vân Nam. Góc phía tây nam nay là Châu tự trị dân tộc Choang Văn Sơn của Vân Nam ngày nay, diện tích tương đương với khu vực Bắc Trung Bộ của Việt Nam, giáp với Hà Giang và Lào Cai. Xét về yếu tố dân tộc có thể thấy mối gần gũi với người bản địa của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, vì vậy rất có thể Hoan Châu bao trùm cả châu Văn Sơn. Hoan Châu vốn được lập trên cơ sở huyện Hàm Hoan của Cửu Chân đời Hán. Trong bài viết Thử xác định vị trí một số quận huyện trên đất Lĩnh Nam thời Hán; Tìm khu vực trống đồng; Tìm kiếm căn nguyên của một số ngộ nhận lịch sử. tôi đã giải quyết vấn đề vị trí quận huyện của Giao Châu đời Hán. Theo đó, quận Cửu Chân đời Hán và Lục triều của Trung Quốc thực ra không ở vùng nay là Bắc Trung Bộ Việt Nam, mà là ở về phía tây của khu vực Quảng Tây Trung Quốc. Về sau mới có việc đặt trùng tên, rồi gán ghép vào phía Việt Nam, khiến sử sách cứ nối tiếp nhau nhầm lẫn.

Huyện Hàm Hoan đời Hán được xác định là nằm về phía nam của sông Hữu Giang (You Jiang). Xin xem hình dưới đây:



Vị trí các quận huyện của Giao Châu thời Hán

Với quy mô của một châu, ắt hẳn Hoan Châu đã mở rộng thêm nhiều, lấn sang cả địa bàn Vân Nam ngày nay, giáp với miền núi từ Cao Bằng trở về phía tây của Việt Nam.

Với vị trí của Hoan Châu và Đường Lâm đã tương đối được xác định, thì con đường đi theo mô tả của Tân Đường thư có thể là từ phía bắc Cao Bằng đi xuống, đến gần khu vực giáp giới giữa Lào Cai và Yên Bái, rồi đi về phía nam. Dựa trên quãng thời gian thì điểm cuối là thành nước Hoàn Vương có thể ở khoảng vùng núi từ Thanh Hóa đến Nghệ An.

Như vậy, ghi nhận về nước Hoàn Vương ở đây đã cho thấy cương vực nước Lâm Ấp – Hoàn Vương – Chiêm Thành ở thời điểm khoảng thế kỷ 10, khi những cuốn sách trên được viết, không chỉ ở phía nam Hà Tĩnh mà thực tế còn kéo dài theo phía đường núi ra đến khu vực Tây Bắc Việt Nam. Với địa bàn trải dài như vậy thì đây phải là một quốc gia nhiều dân tộc.

Ghi nhận về nước Hoàn Vương cho thấy triều đình Trung Quốc chỉ quản lý được các khu vực gồm phía đông Bắc Bộ và vùng đồng bằng ở Thanh Nghệ. Đó chính là An Nam. Nước Lâm Ấp - Hoàn Vương giữ được phía nam và miền núi phía tây, có thể với mô hình nhiều tiểu quốc, đến khi An Nam giành được độc lập, lại không thống nhất được với Hoàn Vương, có thể lý do là dân cư hai khu vực đã bị phân hóa mạnh.

An Nam vào giữa thế kỷ 10, theo phân bổ vị trí của 12 sứ quân, như sau:

  1. Ngô Xương Xí, tức Ngô Sứ Quân giữ Bình Kiều
  2. Kiều Công Hãn giữ Phong Châu (nay là khu vực Việt Trì)
  3. Nguyễn Khoan giữ Tam Đái (nay là khu vực Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)
  4. Ngô Nhật Khánh giữ Đường Lâm (nay là khu vực Sơn Tây, Hà Nội)
  5. Đỗ Cảnh Thạc giữ Đỗ Động Giang (nay là khu vực Thanh Oai, Hà Nội)
  6. Lý Khuê giữ Siêu Loại (nay là khu vực Thuận Thành, Bắc Ninh)
  7. Nguyễn Thủ Tiệp giữ Tiên Du (thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay)
  8. Lữ Đường giữ Tế Giang (Văn Lang, Hưng Yên)
  9. Nguyễn Siêu giữ Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội)
  10. Kiều Thuận giữ Hồi Hồ (Cẩm Khê, Phú Thọ)
  11. Phạm Bạch Hổ giữ Đằng Châu (Hưng Yên)
  12. Trần Lãm giữ Bố Hải Khẩu (Thái Bình)

Vị trí của Bình Kiều hiện vẫn chưa được nhận định thống nhất là ở Khoái Châu, Hưng Yên hay là Bình Kiều ở Triệu Sơn, Thanh Hóa, nhưng dù sao thì chúng ta cũng có thể thấy An Nam được nói tới thời giữa thế kỷ 10 chủ yếu quanh đồng bằng Bắc Bộ. Đến tận đầu thời Lê cũng chỉ có khu vực này được coi là nội trấn. Người man ở đất Cử Long, suốt hai triều Đinh Lê đều không dẹp được. Theo chú giải trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Cử Long ở huyện Cẩm Thủy Thanh Hóa. Khoảng cách theo đường thẳng từ Hoa Lư đến huyện lị Phụng Sơn của huyện Cẩm Thủy chỉ 50km. Chứng tỏ rằng các nhà nước và diễn biến lịch sử được ghi nhận trong thời kỳ này trên thực tế chỉ là của người vùng xuôi, mà chủ yếu quanh đồng bằng Bắc Bộ. Đó là địa bàn của người Kinh.

Đại Việt sử ký toàn thư cung cấp nhiều chi tiết cho thấy triều đình nhà Lê và nhà Lý vẫn khá vất vả với các châu Hoan, Ái, Diễn:

  • Năm 989, dưới thời Lê Hoàn: “Dương Tiến Lộc lấy hai châu Hoan, Ái làm phản. Vua thân đi đánh, Tiến Lộc bị giết. Bấy giờ vua sai viên Quảng giáp là Tiến Lộc đi thu thuế hai châu Hoan và Ái, Tiến Lộc đem người hai châu ấy xin theo về với Chiêm Thành. Chiêm Thành không nhận. Vua nghe tin, đem các quân đến đánh Châu Hoan, Châu Ái, đuổi bắt được Tiến Lộc và giết người hai châu ấy không biết bao nhiêu mà kể”.
  • Năm 1008 Lê Long Đĩnh tự làm tướng đi đánh Hoan Châu
  • Năm 1011 Lý Thái Tổ đánh Cử Long. Đến đây mới thu phục được.
  • Năm 1012, Lý Thái Tổ thân đi đánh Diễn Châu, vì cho rằng “Chỉ vì người Diễn Châu không theo giáo hóa…”
  • Năm 1026 Lý Thái Tổ lại xuống chiếu cho Khai Thiên Vương “đi đánh giặc ở Châu Diễn”
  • Năm 1031: “Mùa xuân, tháng giêng, châu Hoan làm phản”.
  • Năm 1035: “Người châu Ái làm phản. Mùa đông, tháng 10, vua thân đi đánh, cho Phụng Càn Vương lưu thủ Kinh sư
  • Năm 1043: “Mùa xuân, tháng giêng, châu Ái làm phản” 
  • Theo thần tích đền Quả Sơn, người Chiêm Thành đã gây ra cái chết của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, ở miền trung du Nghệ An, vào năm 1057.

 Sự kiện năm 989 còn cho thấy ảnh hưởng của yếu tố Chiêm Thành. Theo Tống sử – quyển 489: Năm Thuần Hóa nguyên niên (990) vua mới là Dương Đà Bài, ở thành Phật Thệ, sai sứ sang cống, cùng dâng biểu tố rằng bị Giao Châu đánh, nhân dân và của cải trong nước đều bị cướp đi. Toàn thư không chép về sự kiện Lê Hoàn đánh Chiêm Thành này, nhưng xét theo thời gian thì hẳn là trùng với sự kiện đánh hai châu Hoan, Ái năm 989, bởi vì sứ giả sang đến kinh đô nhà Tống có thể phải trễ một năm. Châu Ái kề với Hoa Lư, khó có khả năng dân ở đây lại theo nước Chiêm Thành nếu nước này ở rất xa về phía nam. Vậy hẳn là Toàn thư vì lý do nào đó đã chép không đúng. Có thể ở về vùng núi phía tây Hoan, Ái vẫn là Chiêm Thành, hai châu này là nơi tranh giành ảnh hưởng giữa An Nam và Chiêm Thành.

Toàn thư chép về Lê Hoàn: “Khi vua đi đánh Chiêm Thành, qua núi Đồng Cổ đến sông Bà Hoà, đường núi hiểm trở khó đi, người ngựa mỏi mệt, đường biển thì sóng to khó đi lại, bèn sai người đào kênh. Đến đây đào xong, thuyền bè đi lại đều được thuận tiện”.

Xét vị trí núi Đồng Cổ, nếu vua Lê Hoàn đi đánh Chiêm Thành ở phía nam bằng đường biển qua cửa sông Bà Hòa ở Tĩnh Gia – Thanh Hóa thì chẳng có lý do gì phải vòng vào núi Đồng Cổ ở sâu phía trong nội địa. Vậy thì đó là hai con đường khác nhau, từ Đồng Cổ đi sâu vào miền núi cũng là đất Chiêm Thành.

Vị trí đền Đồng Cổ

Hành trình đi đường biển đánh Chiêm Thành của Lý Thái Tông năm Giáp Thân (1044) được Đại Việt sử ký toàn thư cho biết như sau:

Ngày Giáp Thìn, quân đi từ Kinh sư, ngày Ất Tỵ, đến cửa biển Đại Ác, gặp lúc sóng gió yên lặng, đại quân qua biển dễ dàng, cho nên đổi tên Đại Ác làm Đại An. Đến núi Ma Cô, có đám mây tía bọc lấy mặt trời. Qua vụng Hà Não, có đám mây che thuyền ngự, thoe thuyền mà đi hoặc ngừng. Ngày hôm ấy đến đóng doanh ở cửa biển Trụ Nha (có bản chép Trụ Thân). Ngày hôm sau đi, nhờ thuận gió, trong một ngày qua hai bãi Đại Tiểu Trường Sa. Đến cửa biển Tư Khách có con cá trắng nhảy vào thuyền. Vua nghe tin Chiêm Thành đem quân và voi bày trận ở bờ nam sông Ngũ Bồ muốn chống cự quan quân. Vua truyền cho quân bỏ thuyền lên bộ, đem quân sĩ lên bờ bắc, thấy quân Chiêm đã dàn ở bên sông. Vua mới cắt đặt quân sĩ dựng cờ nổi trống, sang tắt ngang sông đánh. Binh lính chưa chạm mà quân Chiêm đã tan vỡ, quan quân đuổi chém được 3 vạn thủ cấp. Quách Gia Di chém được đầu vua Chiêm là Sạ Đẩu tại trận đem dâng”.

Theo nội dung trên thì thời gian di chuyển của quân đội Lý Thái Tông khá ngắn. Từ kinh thành ra đến vùng cửa biển mất một ngày. Từ cửa biển Đại An đến cửa Tư Khách mất hai ngày. Đến đó là đã chuẩn bị đánh nhau với Chiêm Thành. Hành trình này chỉ có thể đến phía nam Thanh Hóa hoặc Nghệ An mà thôi. 

Ở bờ biển phía nam Thanh Hóa cũng có bãi Trường Sa. Bài vè Các lái của dân đi biển lưu truyền từ xưa, nói về đoạn đi qua bờ biển Tĩnh Gia như sau: “Trông ra Mê, trông kề Bung, Núc/ Trong Bãi Đón ngựa giúc Trường Sa/ Núi đầu trông cũng thấy tà tà/ Đó là Hòn Bạng, cũng là Hải Môn…” [Ngô Văn Ban, 2016].

Mặt khác, nếu kéo cả lực lượng binh thuyền đi dọc biển xuống phía nam nhưng lại không đổ bộ vào bờ biển hay bờ sông phía nam, mà phải bỏ thuyền tập trung lại ở bờ bắc rồi mới đánh sang là khá vô lý. Vì vậy việc gán Phật Thệ vào Thành Lồi ở vị trí xã Xuân Thủy phía nam sông Hương là rất khiên cưỡng.

Cách đánh như vậy thường chỉ có thể xảy ra khi có một con sông chắn ngang đường tiến quân, tức là trước đó quân đã phải đi đường bộ.

Mặt khác, nếu kéo cả lực lượng binh thuyền đi dọc biển xuống phía nam nhưng lại không đổ bộ vào bờ biển hay bờ sông phía nam, mà phải tập trung lại ở bờ bắc rồi mới đánh sang là không tỏ ra hợp lý. Cách đánh như vậy thường chỉ có thể xảy ra khi quân đi đường bộ và phải vượt qua sông để tấn công đối phương. 

Theo lời tố của vua Chiêm Thành là Dương Đà Bài với vua Tống về việc Lê Hoàn phá thành Phật Thệ trong sự kiện mà chúng ta đã thấy rằng trùng với việc Lê Hoàn đánh hai châu Hoan Ái năm 989 thì rất có thể thành này chỉ nằm ở khu vực Thanh Nghệ mà thôi. Tống sử, phần ghi chép về Chiêm Thành cho biết năm Thuần Hóa nguyên niên (990) vua mới tự xưng là Dương Đà Bài chiếm giữ nước Phật Thệ. Như vậy Phật Thệ cũng chỉ là một phần ly khai của Chiêm Thành chứ không phải là khu vực trung tâm.

Qua khảo sát địa lý bằng công cụ hiện đại, kết hợp với những kết quả nghiên cứu được trình bày ở trên, tôi cho rằng đội quân Lý Thánh Tông đã đi vào đến Châu Diễn, phía bắc Nghệ An, sau đó vào cửa Cờn và đi ngược sông Hoàng Mai. Họ phải bỏ thuyền đi một đoạn đường bộ để đến được bờ sông Hiếu, ở khu vực nay là Thị xã Thái Hòa.

Sông Hiếu có hai bên bờ khá dốc, rất khó đổ bộ qua nếu đối phương phòng thủ bên kia bờ sông. Tuy nhiên vẫn có một đoạn thích hợp, như trên hình sau:

Đường tiến quân và đoạn sông mà có thể quân nhà Lý đã vược qua
 

Một điều đáng chú ý là Thung Lũng Khe Vạc, với di chỉ Làng Vạc, một di chỉ giàu hiện vật hàng đầu của văn hóa bản địa, nằm sát bên khúc sông này. Ngày nay người ta đã có thể chắc chắn rằng đây là một trung tâm quan trọng của người Việt cổ. Điều đó càng làm cho phỏng đoán rằng đây là thành nước Hoàn Vương – Chiêm Thành có thêm cơ sở nặng ký. Lộ trình đến thành nước Hoàn Vương theo mô tả của Tân Đường thư có thể là từ huyện An Viễn đi về phía nam, qua sông Đà, lại đi hai ngày qua sông Mã, có lẽ là đoạn giữa Hòa Binh và Thanh Hóa, đi bốn ngày thì đến sông Chu, lại đi qua Đan Bổ Trấn, đi hai ngày đến thành nước Hoàn Vương, khu vực Thị xã Thái Hòa ngày nay.

Chúng ta thử xem xét thêm một số ghi chép sau đó trong Đại Việt sử ký toàn thư nói về việc xử lý của Lý Thái Tông sau cuộc chiến:

  • 遣 使 徧 行 鄕 邑 撫 論 遣 民 . [35a]
    Khiển sứ biến hành hương ấp phủ luận khiển dân.

    Nghĩa là: Sai sứ đi khắp các hương ấp phủ dụ dân chúng.
  • 是 日 群 臣 献 俘 五 千 餘 口 及 其 金 銀 珠 寶 之 物 . [35b]
    Thị nhật, quần thần hiến phu ngũ thiên dư khẩu, cập kì kim ngân châu bảo chi vật.
    詔 俘 虜 各 認 部 属 居 之 永 康 鎮 直 至 登 州 今 歸 化 是 置 鄕 邑 倣 占 城 舊 號 . [35b]
    Chiếu phu lỗ các nhận bộ thuộc, cư chi Vĩnh Khang trấn trực chí Đăng Châu [kim Quy Hoá thị], trí hương ấp phỏng Chiêm Thành cựu hiệu.

Nội dung này được Ngô Đức Thọ dịch (Hà Văn Tấn khảo đính) như sau: “Ngày hôm ấy, bầy tôi dâng tù binh hơn 5 nghìn tên và các thứ vàng bạc châu báu. Xuống chiếu cho các tù binh đều được nhận người cùng bộ tộc, cho ở từ trấn Vĩnh Khang đến Đăng Châu (nay là Quy Hóa), đặt hương ấp phỏng tên gọi cũ của Chiêm Thành”

Cao Huy Giu dịch (Đào Duy Anh khảo đính) như sau: “Ngày hôm ấy, bầy tôi dâng tù binh hơn 5 nghìn tên và các thứ vàng bạc châu báu. Xuống chiếu cho các chiến tù đều ghép theo bộ thuộc cho ở từ trấn Vĩnh Khang đến Châu Đăng (tức là Quy Hóa sau này), đặt hương ấp phỏng theo danh hiệu cũ của Chiêm Thành”.

Dù dịch thế nào thì, cùng với chi tiết sai sứ đi khắp các hương ấp phủ dụ dân chúng, chỉ có một cách hiểu hợp lý, đó là các tù binh được trả về địa phương của mình, và các nơi đó suốt một dải từ Vĩnh Khang (phía tây Nghệ An) đến Quy Hóa (tây bắc Việt Nam) thì được sáp nhập vào đất nhà Lý, nhưng được giữ lại tên gọi cũ. 

Từ những chứng cứ trên, có thể nhận định rằng dải đất kéo dài từ phía Tây Bắc Việt Nam đến miền núi vùng Thanh Nghệ vốn thuộc Lâm Ấp – Hoàn Vương – Chiêm Thành, ít nhất cho đến đầu thời nhà Lý. Tất nhiên không thể nói rằng ở vùng đất này đã được ổn định. Đó là một quá trình không bằng phẳng, còn có những tiến trình ngược.

Còn có thêm một chứng cứ giúp xác nhận điều này, là bản phổ chí họ Phan, được chép vào năm 1806. Bạn đọc có thể xem tại đây: https://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/20705

Còn có thêm một chứng cứ giúp xác nhận điều này, là bản phổ chí họ Phan, được chép vào năm 1806. Bạn đọc có thể xem tại đây: https://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/20705

Mặc dù những người chép dựa theo sự truyền khẩu từ nhiều đời nên có những sai sót và lẫn lộn về cột mốc thời gian, tuy nhiên có một số chi tiết khó mà tìm ra lý do để cho rằng không dựa trên sự thật. Một là những người họ Phan này là hậu duệ của vua Chiêm Thành. Hai là lãnh thổ của Chiêm Thành từng ra đến phía tây bắc Việt Nam. Khu vực lộ Đà Giang vốn bị một người Trung Hoa là Trịnh Giác Mật chiếm của nước Chiêm Thành, rồi nhà Trần thu phục được, mới thuộc về Đại Việt. Ba là họ vốn dùng chữ khoa đẩu, về sau nhà Trần cấm sử dụng chữ này nên lịch sử dần bị mai một.

Bản phổ chí này cũng cho biết biên giới phía nam đến động Thạch Bi. Động Thạch Bi thì ở khối núi Đại Lãnh thuộc dãy núi Đèo Cả. Có thể đây là ranh giới phía bắc của trấn Thuận Thành.


Vấn đề châu Ô Lý, phía bắc của Chiêm Thành.

Tống sử – quyển 489 – Ngoại quốc 5 cho biết phía bắc [Chiêm Thành] gọi là châu Ô Lý. 

Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, trong đợt xâm lược lần thứ 2, năm 1285: “Nguyên soái Toa Đô đem 50 vạn quân từ Vân Nam qua nước Lão Qua, thẳng đến Chiêm Thành, hội với quân Nguyên ở châu Ô Lý rôi cướp châu Hoan, châu Ái, tiến đóng ở Tây Kết, hẹn trong ba năm sẽ san phẳng nước ta”.

Theo Nguyên sử - Quyển 210 – Ngoại di 3 – Chiêm Thành thì năm thứ mười lăm Nguyên Thế Tổ [1278] Tả thừa Toa Đô nhân đã bình định nhà Tống, sai người đến Chiêm Thành, khi trở về nói vua nước ấy có ý muốn nội phụ. Năm 1280 Toa Đô được lệnh đến Chiêm Thành để lập sảnh yên vỗ. Rồi con của vua Chiêm là Bổ Đích nắm quyền, không chịu phục. Đầu năm 1283 nhà Nguyên sai một số binh thuyền đi đường biển đánh vào kinh đô Chiêm Thành nhưng vẫn không hạ được. Nhân vua Chiêm chịu đưa thư xin hàng và nộp cống nên quay về. Nguyên sử không hề nhắc đến Toa Đô đợt tấn công vào kinh đô Chiêm Thành lần này, vì vậy rất có thể y chiếm giữ khu vực Ô Lý ở phia bắc. Ngày mồng 6, tháng ba, năm thứ 21 (1284) Toa Đô đem quân quay về.

Sự kiện giữa Chiêm Thành và nhà Nguyên cũng được một người đương thời là nhà du ký Marco Polo ghi lại. Theo đó: "Chuyện xảy ra vào năm 1278 sau Thiên Chúa, Đại Đế nhà Nguyên đã phái một vị Nam Tước tên gọi là Sagatu (Toa Đô, chú thích của người dịch) dẫn một lực lượng kỵ binh và bộ binh vĩ đại sang đánh Vương Quốc Chamba, và vị Nam Tước này đã phát động một cuộc chiến tranh trên một qui mô rộng lớn để chống lại Nhà Vua và xứ sở của ông ta" (Nguồn: https://nghiencuulichsu.com/2013/01/29/marco-polo-da-den-champa-vao-nam-1285/). Sau đó vua Chiêm Thành xin quy phục và triều cống. So sánh với Nguyên sử thì có thể cho rằng hai nguồn tư liệu độc lập này đã cùng ghi nhận đúng thực tế một sự kiện, và Sagato thì đúng là Toa Đô. Cuộc chiến của Toa Đô bằng kỵ binh và bộ binh phải là theo đường bộ từ Vân Nam xuống.

Năm 1285 Toa Đô mới đánh châu Hoan, châu Ái của Đại Việt. Như vậy đó phải là hai lần tiến quân khác nhau. Rõ ràng không có lý do gì để Toa Đô phải từ Vân Nam tiến xuống phía Quảng Trị và Thừa Thiên Huế trong một khoảng thời gian ngắn để đánh lên phía bắc. Vậy thì châu Ô Lý đúng là phải ở về phía tây bắc Việt Nam. Toa Đô từ thành Đại Lý của Vân Nam theo thung lũng sông đi xuống vùng Tây Song Bản Nạp, xuống Lão Qua, phía bắc nước Lào ngày nay, rồi cướp châu Ô Lý của Chiêm Thành nằm giữa bắc Lão Qua và Đại Việt, sau đó tiến xuống cướp vùng Hoan, Ái để tạo gọng kìm bao vây nhà Trần. Chi tiết hẹn trong ba năm sẽ san phẳng nước ta tỏ ra không phải là cách đánh tốc chiến của người Mông Cổ. Có thể thấy rằng Toàn thư đã chép không đúng sự thật, cố ghép hai cuộc hành quân của Toa Đô lại với nhau và đẩy y xuống tới Thuận Hóa, dẫn tới nhận thức là Toa Đô tấn công Chiêm Thành theo đường biển rồi vòng lên đánh Đại Việt. 

Cuộc tấn công Chiêm Thành từ hướng biển xảy ra vào cuối năm 1282. Một số chi tiết trong Nguyên sử, quyển 210 - Ngoại di 3, giúp xác định vị trí vùng trung tâm của Chiêm Thành: "Chiêm Thành ở gần Quỳnh Châu, nếu thuận gió đi thuyền một ngày là có thể tới nước ấy". ..."Tháng Mười một, Chiêm Thành hành sảnh quan đem quân từ Quảng Châu đi đường biển đến cảng Chiêm Thành. Cửa cảng phía bắc liền với biển, trên biển có năm cảng nhỏ, thông với Đại Châu của nước ấy. Phía đông và nam là núi, phía tây gần thành dựng bằng gỗ. Quan quân dựa vào bờ biển đồn trú".

Xét về khoảng cách, từ rìa phía tây nam của đảo Hải Nam đến khu vực bờ biển từ Thừa Thiên Huế đến Đà Nẵng là khoảng hơn 250km. Nếu thuận gió mùa đông bắc thì quả thật thuyền có thể đi tới trong khoảng một ngày đêm. Vậy cảng Chiêm Thành nằm trên đoạn bờ biển này chứ không thể ở xa về phía nam được. Dọc bờ biển, từ cửa Thuận An ở Huế đi về phía Đà Nẵng có nhiều cửa đi sâu vào đất liền, ở các vị trí Tư Hiền, Lộc Bình, Cảnh Dương, Chân Mây, Lăng Cô. Đại Châu thì phải là một khu vực trung tâm, đông dân cư. Xét trên bản đồ thì đó là khu vực đồng bằng sông Thu Bồn của xứ Quảng chứ khó có thể là một nơi nào khác.

Bản đồ từ cửa Thuận An đến phía bắc vùng Quảng Nam Đà Nẵng, phù hợp với mô tả trong Nguyên sử

Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Đinh Mùi, [Hưng Long] năm thứ 15 [1307], (Nguyên Đại Đức năm thứ 11). Mùa xuân, tháng giêng, đổi hai châu Ô, Lý thành châu Thuận và châu Hoá. Sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên dân hai châu đó. Trước đấy chúa Chiêm Thành Chế Mân đem đất hai châu đó làm lễ vật dẫn cưới, nhưng người các thôn La Thuỷ, Tác Hồng, Đà Bồng không chịu theo. Vua sai Nhữ Hài đến tuyên dụ đức ý [của nhà vua] chọn người trong bọn họ trao cho quan tước, lại cấp ruộng đất, miễn tô thuế 3 năm để vỗ về”. 

Xét vị trí của một dải đất như vậy thì không thể tìm ra lý do nào để vua Chiêm Thành có thể đem đổi lấy một công chúa nhà Trần. Mặt khác, nếu người Chiêm Thành đã bị đẩy về phía nam đèo Hải Vân từ đầu thế kỷ 14 thì rất khó giải thích được sức ảnh hưởng của họ lên miền đất bắc Trung Bộ mãi đến cuối thế kỷ đó, như Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận nhà Trần phải lập phòng tuyến phía bắc Thanh Hóa để phòng thủ Chế Bồng Nga, trong bối cảnh: Bấy giờ, người Nghệ An vốn ở hai lòng, còn Tân Bình, Thuận Hóa thì phần nhiều làm phản theo Chiêm Thành (Thị thời, Nghệ An nhân hoài nhị, Tân Bình, Thuận Hoá đa phản tòng Chiêm) [Thuận Tông Hoàng Đế, trang 18a]. 

Theo ghi nhận trong sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An, phần Tổng luận, thì: Đất này từ thời Lý và Trần trở về trước là cương giới của Chiêm Thành, từ thời Hồ và thời Lê trở về sau triều đình mới lập thành quận huyện. Người chú giải sách này ở cuối thế kỷ 20 là ông Nguyễn Khắc Thuần dẫn những chi tiết trong Toàn thư để cho rằng Dương Văn An nhầm lẫn vì từ năm 1069 dưới thời nhà Lý về cơ bản biên giới phía nam của Đại Việt là ổn định. Tuy nhiên Dương Văn An là một tiến sĩ Nho học, quê ở Quảng Bình, viết sách này vào giữa thế kỷ 16 thì khó mà nhầm lẫn được. Trong phần đầu quyển 4 của bộ sách này Dương Văn An đã cho biết về thành Hóa: Năm Đại Trị thứ năm [1362] nhà Trần sai Đỗ Tử Bình chia đặt Lâm Bình và Thuận Hóa mới tu bổ xong tòa thành này. Như vậy thì không thể nói rằng Dương Văn An chép nhầm vì không biết rõ về Thuận Hóa, mà chỉ có thể giải thích rằng từ thời Trần phía Đại Việt chỉ duy trì được một số khu vực ven biển, còn lại thì người Chiêm Thành vẫn giữ phần lớn miền này. Thậm chí có tình trạng phía Đại Việt thực tế đã chỉ còn quản lý trên hình thức, như ghi nhận trong Toàn thư : "Triều đình tuy đã lấy Lê Khả Chú làm An phủ sứ lộ hai lộ ấy, nhưng chỉ ở kinh sư mà trấn trị từ xa, chứ chưa bao giờ tới quận".. Một sai lầm trong việc xét đoán về cương giới thời xưa là áp dụng ý niệm về cương giới của thời nay. Trong trường hợp của Lâm Ấp - Hoàn Vương - Chiêm Thành là người ta đã sử dụng biên giới chủ yếu theo phương nằm ngang để đẩy lùi cương vực của nước này về phía nam chứ không chịu nhìn nhận rằng thực tế ngày xưa yếu tố vùng xuôi và vùng ngược cũng chi phối mạnh, mà theo đó thì ở phần phía bắc, nước Đại Việt chủ yếu quản lý được vùng xuôi còn vùng ngược vẫn theo Chiêm Thành, chế độ có phần kế thừa từ nước Lâm Ấp.

Một sử liệu đưa đến nhận định về biên giới phía nam của Đại Việt từ năm 1069 là đoạn chép trong Toàn thư, [Thánh Tông hoàng đế, trang 5a] như sau:

秋 七 月 帝 還 自 占 成 獻 俘 于 太 廟 改 元 神 武 元 年 

制 矩 請 以 地 哩 麻 令 布 政 三 州 贖 罪

許 之 放 制 矩 還 國 地 哩 廣 南
Thu thất nguyệt, đế hoàn tự Chiêm Thành, hiến phu vu Thái Miếu, cải nguyên Thần Vũ nguyên niên. Chế Củ thỉnh dĩ Địa Lí, Ma Linh, Bố Chính tam châu thục tội. Hứa chi, Phóng Chế Củ hoàn quốc [Địa Lí Quảng Nam]

Nội dung này được các dịch giả bộ sách dịch ra như sau: "Mùa hạ, tháng 6 đem quân về. Mùa thu, tháng 7, vua từ Chiêm thành về đến nơi, dâng tù ở Thái Miếu, đổi niên hiệu là Thần Vũ năm thứ 1. Chế Củ xin dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính, để chuộc tội. Vua bằng lòng, tha cho Chế Củ về nước (Địa Lý nay là tỉnh Quảng nam)"

Thực ra thì những người dịch đã tự ý cho chữ "nay là" vào phía trước chữ "Quảng Nam", trong khi nếu muốn nói lên ý đó thì văn bản gốc cần phải có chữ 今 (kim = hiện nay). Có thể người ta đã chép thiếu đi một chữ để gây nên sự mù mờ nhằm tùy tiện diễn giải về vị trí của châu Địa Lý. Khi khẳng định được rằng thời nhà Lý biên giới nước Đại Việt chưa thể vươn đến miền Quảng Nam thì chúng ta thử tìm cách giải mã các chữ trên theo một hướng khác.

Giai đoạn đó có một khu vực gọi là Quảng Nam của nhà Tống, chính là miền Lưỡng Quảng, sát biên giới Đại Việt, trong đó Quảng Đông được gọi là đông lộ, Quảng Tây là tây lộ. Quách Quỳ, viên chủ tướng trong cuộc xâm lược Đại Việt năm 1076 chính là Tuyên phủ sứ Quảng Nam. Hiện nay vẫn còn một huyện gọi là Quảng Nam lớn gần bằng tỉnh Quảng Nam của Việt Nam, nằm trong Châu tự trị Choang Vân Sơn ở sát biên giới Việt Nam. Rất có thể châu Địa Lý tiếp giáp hoặc từng thuộc lộ Quảng Nam này.

Như vậy tranh chấp giữa Đại Việt và Chiêm Thành thời nhà Lý cho đến đầu thời Trần thực tế không phải từ khu vực Hoành Sơn đến Quảng Nam ở trung bộ Việt Nam ngày nay mà là các vùng cao phía bắc và phía tây. Châu Ô Lý, chúng ta đã xác định châu này ở khoảng khu vực Tây Bắc, xưa gọi là Quy Hóa. Ngoài ra, ở khu vực Sơn La phía dưới có một vùng gọi là Thuận Châu đã có từ xưa. 




                    Vị trí của Quy Hóa châu, Thuận châu và Đà Giang thời Lý Trần

Như vậy tranh chấp giữa Đại Việt và Chiêm Thành thời nhà Lý cho đến đầu thời Trần. Khi xác định châu Ô Lý ở về phía tây bắc Việt Nam thì vấn đề trao đổi hoàn toàn có thể giải thích hợp lý. Khu vực này đã bị quân Nguyên chiếm, sau đó bị nhà Trần chiếm lại. Bởi vì phía dưới là lộ Đà Giang cũng đã bị nhà Trần lấy mất con đường kết nối đã bị tắc dần nên vua Chiêm Thành rút cục đã phải nhượng lại cho nhà Trần, với một món trao đổi có tính chất tượng trưng là nàng công chúa Huyền Trân. Nếu đây là vùng Thuận Hóa thì không thể dễ dàng nhượng lại được.

Bây giờ xin thử khôi phục một tiến trình sơ lược lịch sử đã xảy ra trên đất Việt Nam.

Điều dễ dàng được thừa nhận là đến thời điểm cột mốc Công nguyên trên khu vực Việt Nam đã có sự tồn tại của nhiều nhóm cư dân. Theo những khảo cứu của tôi ở bài viết trước thì trên vùng này, giáp với Lĩnh Nam, đã có một quốc gia mà sử Trung Quốc gọi là Lâm Ấp. Năm 43 Mã Viện xâm lược nước Lâm Ấp.

Sử sách Trung Quốc ghi nhận Lâm Ấp độc lập vào thời Sơ Bình, khoảng năm 193, giai đoạn tan rã của triều đình nhà Hán. Đến triều vua Phạm Văn, đầu thế kỷ 4, Lâm Ấp đã phát triển mạnh mẽ, kiêm tính thêm bảy nước khác là Đại Kỳ Giới, Tiểu Kỳ Giới, Thức Bộc, Từ Lang, Khuất Đô, Kiền Lỗ, Phù Đan. Có thể đây là sự mở rộng kết nối từ khu vực văn hóa Đông Sơn ở ven biển Bắc Bộ, đặc biệt là đi về phía nam, thuộc văn hóa Sa Huỳnh. Địa hình Việt Nam, với sự chia cắt ra tới biển của các dãy núi từ bắc vào nam, hoàn toàn phù hợp với sự tồn tại của các tiểu quốc, mà sau đó được thống nhất bởi một quốc gia mạnh về hàng hải cũng là điều dễ giải thích. Các dấu vết ở di chỉ Bãi Cọi, gần cửa sông Cả cho thấy phía dưới là cơ tầng Sa Huỳnh chứ không phải Đông Sơn. Lâm Ấp thời điểm này phải là một quốc gia đa sắc tộc, đa ngôn ngữ.

Lâm Ấp độc lập suốt khoảng bốn thế kỷ trong giai đoạn Lục triều của Trung Quốc, sau đó bị nhà Tùy chiếm đóng. Theo ghi nhận của các bộ sử Trung Quốc cho thấy Lâm Ấp chịu ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ. Theo Tấn thư thì quốc thư của vua Lâm Ấp gửi vua nhà Tấn được viết bằng chữ Hồ. 

Trong giai đoạn này Lâm Ấp đã bắt đầu chịu nhiều ảnh hưởng của người Hán. Một trong số đó hẳn là hệ thống từ gốc Hán, mà cách phát âm được bản địa hóa một cách chủ động chứ không thể trong hoàn cảnh bị đô hộ. Bên cạnh đó, hệ thống mộ gạch của giới quý tộc cũng là một sự tiếp thu từ người Hán nhưng vẫn có những khác biệt. Tuy vậy, với những bằng chứng là nhiều trống đồng được sản xuất sau thế kỷ 2 được phát hiện, lại còn rất nhiều mảnh khuôn đúc trống đồng có niên đại thế kỷ 3 đến 6, ở khu vực Bắc Ninh, cho thấy dưới thời kỳ Lâm Ấp độc lập truyền thống sử dụng trống đồng đã được khôi phục.

Cuộc chiếm đóng của nhà Tùy, rồi nhà Đường kéo dài suốt 300 năm đã cắt đứt tiến trình đồng hóa xuất phát từ trung tâm Lâm Ấp, miền đồng bằng ven biển Bắc Bộ. Mặt khác lại mở ra một tiến trình Hán hóa mạnh vào chính khu vực này. Rút cục, đã hình thành một lớp cư dân mới, gọi là người Kinh.

Những khu vực suốt một dải từ vùng núi phía tây cho đến vùng xa phía nam vẫn độc lập. Đó chính là quốc gia mà sử Trung Quốc gọi tên khác nhau theo từng thời kỳ, là Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành. Cũng chính sự ngộ nhận khi đồng nhất giữa Lâm Ấp trước khi bị nhà Tùy xâm lược với Lâm Ấp ở giai đoạn sau, nên nhiều vấn đề lịch sử đã không thể giải quyết được.

Đã có những ghi nhận về sự phản công của Hoàn Vương. Chẳng hạn, Tân Đường thư cho biết đầu niên hiệu Nguyên Hòa (khoảng 806) nước Hoàn Vương chiếm hai châu Hoan Ái, sau An Nam Đô hộ Truong Chu đánh dẹp, chém ba vạn thủ cấp, bắt sống 59 người con của vua. Năm Trường Khánh thứ tư (824) Hoàn Vương cùng người man Hoàng Động đánh hãm Lục Châu, tức là miền Quảng Ninh ngày nay.

Nhân nói về việc các con của vua Hoàn Vương, xin đề cập đến hệ thống đền thờ các ông hoàng trong tín ngưỡng thờ nữ Mẫu. Tôi cho rằng chỉ có một cách giải thích hợp lý, đó là đền do dân chúng lập nên để thờ các hoàng tử của nước Hoàn Vương hy sinh trong các cuộc chiến chống lại An Nam Đô hộ phủ. 

Kỷ nguyên độc lập cũng là giai đoạn người Kinh lấn dần vào địa bàn của người anh em Chiêm Thành. Bắt đầu từ thời vua Lê Hoàn đã xảy ra nhiều cuộc chiến. Nhà Lý cũng tổ chức nhiều đợt đánh Chiêm Thành với quy mô lớn do đích thân nhà vua cầm quân. Triều đại này đã có chính sách phủ dụ dân chúng bản địa nhằm sáp nhập lãnh thổ. Chẳng hạn, nhà Lý đã cho đặt hương ấp phỏng theo tên cũ của người Chiêm Thành. Nhà Trần tiếp tục công việc của nhà Lý. Triều đại này đã thu phục được toàn bộ vùng đất Chiêm Thành nằm về phía tây của Đại Việt. Tuy nhiên, theo bản phổ chí được đề cập ở trên, nói đến việc cấm chữ Chiêm, thì nhà Trần có một chính sách ngược với nhà Lý, đó là xóa bỏ ký ức của người Chiêm Thành, đồng hóa họ. 

Có thể nói, từ thời nhà Trần trở về sau, ý chí của triều đình Đại Việt đã tác động lớn vào ký ức lịch sử dân tộc. Trống đồng đã hầu như không còn được sử sách nhắc tới. Cách đưa ra nguồn gốc dân tộc từ bộ Đại Việt sử ký toàn thư, của nhà Lê, lại rất có vấn đề. Sử Việt đã bị chi phối quá nhiều bởi yếu tố phương bắc.

Dưới thời Nguyễn, thậm chí sử quan Nguyễn Thông viết trong sách Việt sử thông giám cương mục khảo lược rằng: “…Vả lại, quan thú hiền các đời trước sau nối gót, lễ giáo thấm nhuần, phong hóa bay khắp. Thành ra dân đầu trọc vẽ trán dần dần như mưa tạnh khói tan. Khu vực dãi rắn bọt thuồng luồng biến thành núi tươi sông đẹp. Đây là khí đất từ bắc sang nam, giống này lớn lên thì giống kia tiêu diệt, cũng là cái vận tự nhiên đấy. Thế thì nước Việt ta, đất dù là nước cũ của Hùng Lạc, mà người là dòng dõi khăn đai, từ lâu lắm rồi…”. Suy nghĩ đó đương nhiên chi phối cách nhìn nhận rất nhiều vấn đề về lịch sử dân tộc.

Các nhà chép sử Trung Quốc đã tạo ra sự ngộ nhận về một nền cai trị liên tục từ thời nhà Tần. Về sau gọi là nghìn năm Bắc thuộc. Chính vì sự ngộ nhận đó mà chúng ta từng ca ngợi những nhân vật như Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp…như những nhà khai hóa. Thực sự địa bàn hoạt động của họ là ở bên Lưỡng Quảng.

Ở khu vực đồng bắng Bắc Bộ Việt Nam, sau khi thoát khỏi 300 đô hộ cùa các nhà Tùy và Đường, ngay cả ở tầng lớp tinh hoa vốn là tầng lớp có thể chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ Trung Quốc thì vẫn bộc lộ những khác biệt với người Hán. Đinh Bộ Lĩnh đặt quốc hiệu nước ta là Đại Cồ Việt, mà chữ Cồ được các nhà nghiên cứu chỉ ra không phải là từ gốc Hán. Dưới thời nhà Lý, mặc dù tổ chức chính quyền đã bắt chước mô hinh Trung Hoa, nhưng vẫn chứa nhiều khác biệt. Triều đại này chỉ lập văn miếu vào năm 1070, muộn 60 năm từ khi Lý Công Uẩn lên ngôi. Suốt thời Lý hơn 200 năm chỉ tổ chức có ba kỳ thi Nho học để tuyển quan lại. Rõ ràng việc coi dân tộc Kinh “mà người là dòng dõi khăn đai [ý nói là người Hán]” là một sự ngộ nhận lớn.

Sự ngộ nhận sở dĩ lớn dần lên, là theo sự du nhập các giá trị Nho học Trung Hoa, với sự tiếp tay của các chế độ và giới trí thức bản địa. Lịch sử Việt Nam trở thành một khối mơ hồ, bí hiểm, đầy mâu thuẫn là vì thế.

Vấn đề vị trí châu Đường Lâm

 


Vấn đề châu Đường Lâm hiện là một đề tài tranh cãi trong giới sử học.

Mặc dù đã có một Đường Lâm ở Sơn Tây, thế nhưng theo mô tả trong một số tài liệu Trung Quốc thì vị trí Đường Lâm này được cho là không phù hợp.

Chẳng hạn, Tân Đường thưquyển 43 hạ ghi [Trần Trọng Dương dịch]: “Đạo Lĩnh Nam: Một đường từ phía đông Hoan Châu đi hai ngày, đến huyện An Viễn của châu Đường Lâm, đi về phía nam qua sông Cổ La, đi hai ngày đến sông Đàn Động của nước Hoàn Vương. Lại đi bốn ngày đến Chu Nhai. Lại đi hai ngày qua Đan Bổ Trấn, đi hai ngày đến thành nước Hoàn Vương, thời Hán xưa gọi là đất Nhật Nam vậy”.

Nếu quan niệm Hoan Châu, tức là vùng Nghệ Tĩnh, thì châu Đường Lâm được nhắc đến phải ở vùng phía nam Nghệ Tĩnh mới đúng.

Các nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương, Nguyễn Tô Lan, Trần Trọng Dương là những người đã chứng minh quan điểm này. Ý kiến của nhóm được trình bày qua hai bài viết, trên trang blog: http://trantrongduong.blogspot.com/2011/06/uong-lam-son-tay-huyen-su-tkxx.html , http://trantrongduong.blogspot.com/2011/06/uong-lam-la-uong-lam-nao.html, trong một số tạp chí và trong cuốn sách của Việt Nam thế kỷ X – Những mảnh vỡ lịch sử.

Tôi tạm gọi đây là quan điểm của nhóm Trần Trọng Dương, bởi vì ông Trần Trọng Dương là người đứng tên tác giả cuốn sách, với sự ủy quyền của hai tác giả còn lại.

Trước khi tìm hiểu lập luận của nhóm Trần Trọng Dương, chúng ta hãy xem xét một số chi tiết trong sử sách xưa nay liên quan đến Đường Lâm.

Thứ nhất: Việt điện u linh tập, tác giả Lý Tế Xuyên, soạn năm 1329.

Phần truyện về Bố Cái cho biết:

Dựa vào sách Giao Châu ký của họ Triệu, thì Vương họ Phùng, đời đời làm tù trưởng nơi biên khố của châu Đường Lâm, gọi là Quan lang. Trong khoảng niên hiệu Đại Lịch [766-779], nhân lúc quân ở An Nam làm loạn, anh em vương đem quân đi chinh phục các ấp lân bang, đều thu phục được, uy danh chấn động. Bấy giờ Đô hộ An Nam là Cao Chính Bình đánh Vương không được. Nghe tin vương sẽ vây Đô phủ, Bình lo buồn mà chết. Vương kéo quân vào phủ, cai trị được bảy năm thì mất. Lại nói, khi Phùng Hưng mới mất, hay hiển linh, mọi người cho Phùng Hưng là thần, bởi vậy lập miếu thờ ở phía tây của Đô phủ. Phàm những việc trộm cắp ngục tụng còn ngờ, nếu đến miếu để thề thì lập tức họa phúc giáng ngay, bởi thế, hương hỏa bất tuyệt. Sau Ngô Quyền đánh giắc phương bắc, mộng thấy Phùng Hưng hiển linh giúp đỡ. Thắng trận, Ngô Quyền hạ chiếu xây điện miếu tôn nghiêm, làm lễ tế để tạ ơn. Việc đó trải qua nhiều năm đã thành cổ lễ.

Như vậy, từ thời nhà Trần người ta đã ghi nhận việc thờ Phùng Hưng là một cổ lễ.

Từ các chi tiết miếu thờ Phùng Hưng ở phía tây kinh thành, và việc ông có thể uy hiếp Đô hộ An Nam đến sợ mà chết, chúng ta có thể thấy Đường Lâm này ở khá gần phủ Đô hộ chứ không thể ở xa đến tận phía nam Hà Tĩnh được.

 
Thứ hai: Đại Việt sử ký toàn thư, phần chép của Ngô Sĩ Liên, thế kỷ 15. Sách này cho biết:

  • Mùa hạ năm Tân Mùi (791), người Đường Lâm thuộc Giao Châu [sách này chú là Đường Lâm tại huyện Phúc Lộc] là Phùng Hưng nổi binh vây phủ, Cao Chính Bình lo sợ mà chết, Phùng Hưng về sau được con là An tôn xưng làm Bố Cái đại vương. Về sau, dân lập lập đền thờ ở phía tây Đô phủ, đến lúc đó [thế kỷ 15] vẫn còn.
  • Năm Đinh Mão (967), con em Ngô Tiên Chúa [Ngô Quyền], ở Đỗ Động Giang nghe tin Trần Lãm chết liền đem quân đánh, bị bại. Đinh Bộ Lĩnh nghe tin, mới đem quân đến đánh Đỗ Động Giang, từ đó các lại dân ở kinh phủ đều khâm phục mà theo về.
  • Năm Thuận Thiên thứ 7 [1016], vua Lý Thái Tổ đi xem núi sông, đến bến đò Cổ Sở thì làm lễ khấn. Đêm ấy, vua chiêm bao thấy có dị nhân xưng tên là Lý Phục Man, được giao trông coi hai dải sông núi Đỗ Động và Đường Lâm, người Di Lão không dám xâm phạm. 

Chúng ta có thể dựa vào một số địa danh để xem xét phạm vi của Đường Lâm. Đó là huyện Phúc Lộc, bến đò Cổ Sở và vùng Đỗ Động.

Huyện Phúc Lộc, theo phần Tập chú của sách Dư Địa chí [Nguyễn Trãi soạn, Nguyễn Thiên Túng tập chú], thế kỷ 15, thì huyện này ở trấn Sơn Tây. Vậy thì Đường Lâm của Phùng Hưng chỉ có thể ở phía Sơn Tây chứ không thể ở phía nam Hà Tĩnh được. Vị trí Đường Lâm ở Sơn Tây thì đúng là ở phía tây Đô phủ.

Bến đò Cổ Sở, còn gọi là Bến Giá, nay ở xã Yên Sở, nằm trên sông Đáy, xưa thuộc phủ Quốc Oai, Sơn Tây.

Đỗ Động Giang, xưa là một xứ lớn, theo Đại Việt Sử ký Toàn thư thì năm 995 Lê Hoàn cử hoàng tử thứ tám là Tương làm Phó Vương, đóng ở Đỗ Động Giang. Ngày nay Đỗ Động là một xã nằm gần thị trấn Kim Bài, về phía nam của trung tâm Hà Nội.

Xét trên bản đồ địa hình mà chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận (xem hình 2), thì tương quan giữa trung tâm Thăng Long với hai dải sông núi Đường Lâm và Đỗ Động, tức là từ núi từ dãy Ba Vì lên phía bắc và phía sông Đáy, hoàn toàn phù hợp với mô tả.

Như vậy Đường Lâm không thể ở phía nam Hà Tĩnh được.

Thứ ba: Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Quốc sử quán triều Nguyễn soạn từ năm 1856, hoàn thành năm 1884.

  • Phần Tiền biên, quyển 4, chép:“Đường Lâm, tên xã xưa. Sử cũ chua ở huyện Phúc Lộc. Phúc Lộc nay đổi tên là Phúc Thọ thuộc tỉnh Sơn Tây. Xét theo Sơn Tây tỉnh sách, xã Cam Lâm thuộc huyện Phúc Thọ, xưa gọi là Đường Lâm. Phùng Hưng và Ngô Quyền đều ở xã này cả. Bây giờ vẫn còn đền thờ”.
  • Tiền biên, quyển 5, cho biết:Ngô Quyền, người xã Đường Lâm, thuộc dòng quý tộc đã lâu đời, cha là Mân, trước làm châu mục ngay châu nhà…Diên Nghệ gả con gái cho. Ngô Quyền coi giữ Ái Châu.

Ở một đoạn sau, Cương mục còn có lời chua: “Đường Lâm, tên xã xưa. Xem thuộc Đường, năm Trinh Nguyên thứ 7 (Tiền biên.4, 26). Theo sách An Nam kỷ yếu, Ngô Quyền người Ái Châu. Vậy không rõ sách nào chép đúng”.

Sách An Nam kỷ yếu của Cao Hùng Trưng, cuối thế kỷ 17, có lẽ chép lại chi tiết này từ cuốn An Nam chí lược của Lê Tắc. Lê Tắc đầu hàng và theo quân Nguyên về đất Trung Quốc, sau đó soạn An Nam chí lược vào khoảng năm 1300.

Trong khi sử gia trong nước có điều kiện tra soát thực địa, lại có thể tham khảo những sách viết trước cả Lê Trắc, như Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, thì Cao Hùng Trưng và Lê Tắc đều là người ở xa mà viết, nên có thể nhầm lẫn từ chuyện Ngô Quyền được cai quản Ái Châu thành ông là người Ái Châu. Lời chua này phản ánh sự cẩn thận của sử gia, hơn là một căn cứ để phản bác nhận định về Đường Lâm.

Thứ tư: Phương Đình dư địa chí, hay còn gọi là Đại Việt địa dư toàn biên, tác giả Nguyễn Văn Siêu (1799-1872).

Sách này được các học trò của Nguyễn Văn Siêu xin hiệu khám để xuất bản vào năm 1882. Theo lời tựa của Phụ chính đại thần Nguyễn Trọng Hợp, cho lần in đầu tiên, năm 1900, thì: “Bản thảo đã xong năm Nhâm Ngọ niên hiệu Tự Đức [1882], các học trò tiên sinh mới đem xuất bản, ta vì bận việc chưa kịp xem, lại 18 năm nữa việc hiệu khám mới xong, xin ta bài tựa để đặt đầu sách. Ta trộm nghĩ, địa chí thuộc về sử gia, không phải kẻ tài cao biết rộng không thể làm được. Sách này chất mà đúng, ước mà đủ, những điều khảo cứu đều có trác kiến, nếu không cho công bố cho mọi người cùng biết, thì trước hơn 2000 năm cho đến ngày nay, trong khoảng đó cương vực bờ cõi thay đổi rất nhiều, người sau bởi đâu mà biết được, cho nên ta vui lòng đem sách này ra mắt với đời, mới đem những lời nói đó viết làm bài tựa”.

Phần về tỉnh Sơn Tây, cho biết: Sơn Tây là đất Phong Châu xưa. Năm thứ 10 niên hiệu Quang Thuận (1469) gọi là Sơn Tây thừa tuyên, lĩnh 6 phủ. Huyện Phúc Lộc thuộc về phủ Quốc Oai. Khoảng niên hiệu Gia Long gọi là Sơn Tây trấn, năm thứ 10 niên hiệu Minh Mạng gọi là Sơn Tây tỉnh. Tỉnh lị nguyên ở xã Cam Giá, huyện Phúc Thọ.

Sách này lại cho biết: “Nay xét sử cũ chép: vua Bố Cái Đại Vương là Phùng Hưng, vua Tiền Ngô là Ngô Quyền đều là người Đường Lâm, nay ở xã Cam Lâm, tổng Cam Giá huyện Phúc Thọ có hai đền thờ vua Bố Cái Đại Vương và vùa Tiền Ngô Vương, đền có văn bia chép rằng: Bản xã là đất núi rừng xưa là Đường Lâm, đời sau anh hào thời Đường có vua Phùng Vương húy là Hưng, đời Ngũ Đại có vua Ngô Vương húy là Quyền, hai vua cùng làng, từ xưa ít có, uy đức lâu dài, miếu mạo như cũ. Niên hiệu chép là năm thứ 2 Quang Thái [1390]”.

Thứ năm: Viêm Giao Trưng Cổ Kí, tác giả là Cao Xuân Dục (1843-1923). Cao Xuân Dục từng trải qua rất nhiều chức vụ trước khi làm đến Đông Các đại học sĩ, trong đó có thời gian làm Tổng đốc Sơn – Hưng – Tuyên.

Theo lời tựa của Cao Xuân Dục khi xuất bản sách này vào năm 1900, thì trong thời gian làm quan các nơi ông đều để ý ghi chép lại các sự tích, di tích nước Nam, đến lúc đó mới sắp xếp biên tập lại thành sách.

Viêm Giao Trưng Cổ Kí cho biết:

  •  Miếu Tiền Ngô Vương ở xã Cam Lâm huyện Phúc Thọ. Vương người bản xã, họ Ngô[…]Sau khi ông mất, con trai là Ngô Xương Văn dựng miếu thờ ở quê cho dân làng thờ phụng. Năm Quang Thái thứ 3 (1390) dân dựng bia ở miếu, nay[1900] vẫn còn.
  • Đền Bố Cái Đại Vương họ Phùng, ở xã Cam Lâm, huyện Phúc Thọ. Vương người bản xã, họ Phùng, sinh ra trong một gia đình giàu sang quyền thế […] Sau khi ông mất, con trai lên nối ngôi, suy tôn ông là Bố Cái Đại Vương. Sau được dân địa phương lập đền thờ phụng. Năm Hồng Đức đời Lê trùng tu đền, dựng bia, hiện vẫn còn. Ngày nay [1900], nhiều tỉnh hạt ở Bắc Kì đều có đền thờ phụng.

Chúng ta có thể rút ra được kết luận là những ghi nhận về quê hương Đường Lâm của hai vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền suốt từ nhiều thế kỷ là liên tục và rõ ràng.

Vấn đề Đường Lâm, đất hai vua, cơ bản đã được giải quyết, sau một bài viết của Trần Quốc Vượng vào tháng 8/1967, trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử (số 101). Bài viết có sau chuyến điền dã của ông về Đường Lâm Sơn Tây.

Tuy nhiên, theo nhóm tác giả Trần Trọng Dương thì cơ sở chủ yếu của Trần Quốc Vượng là tấm bia mà ông gọi là “Bia Đường Lâm” có niên đại năm 1390, mà thực tế thì đây chỉ là bia ngụy tạo, khắc vào đầu thời nhà Nguyễn, khoảng từ năm 1802 đến 1821.

Mặt khác, các tác giả này dựa vào ý kiến của Đào Duy Anh trong sách Đất nước Việt Nam qua các đời, như sau: Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 5) chép rằng Ngô Quyền là người Đường Lâm, con Ngô Mân là châu mục bản châu. Sách Cương mục (Tiền biên, quyển 5) chú rằng: Đường Lâm là tên xã xưa, theo sử cũ chú là huyện Phúc Lộc, huyện Phúc Lộc nay đổi làm huyện Phúc Thọ, thuộc tỉnh Sơn Tây. Xét Sơn Tây tỉnh chí thì thấy nói xã Cam Lâm, huyện Phúc Thọ xưa gọi là Đường Lâm. Phùng Hưng và Ngô Quyền đều là người xã ấy, nay còn có đền thờ ở đó. Chúng tôi rất ngờ những lời ghi chú ấy và nghĩ rằng rất có thể người ta đã lầm Đường Lâm là tên huyện đời Đương thuộc châu Phúc Lộc (Phúc Lộc châu có huyện Đường Lâm) thành tên xã Đường Lâm thuộc huyện Phúc Thọ. Huyện Đường Lâm, châu Phúc Lộc là ở miền nam Hà Tĩnh. An Nam kỷ lược thì lại chép rằng Ngô Quyền là người Ái Châu, cũng chưa biết có đúng không”.

Bài viết của nhóm còn có đề cập là sự nghi ngờ này cũng đã le lói đâu đó trong các công trình của một số người khác, như Văn Tân, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Huệ Chi…   Hẳn là những nghi ngờ của Đào Duy Anh và những người khác đến từ một nhận thức rằng còn có một Đường Lâm châu, tức là Phúc Lộc châu, ở kề với Hoan Châu, tức là phía nam Hà Tĩnh. Có thể nói rằng đó là cơ sở cho cách nhìn nhận khác về Đường Lâm.

Sau một số thao tác lập luận, các tác giả này xâu chuỗi như sau:   “[1] Bia ngụy tạo vào quãng 1802 đến 1821; [2] Dựa vào bia này Nguyễn Văn Siêu đã khẳng định Cam Lâm vốn là Đường Lâm, quê của hai vua Phùng Hưng và Ngô Quyền; [3] Vua Tự Đức đã sai bộ Lễ công nhận đây là di tích cấp “quốc gia” và ban “sắc kiến” vào năm 1874; [4] Sau đó, “đất hai vua” chính thức được đưa vào chính sử vào năm 1882; [5] Đặng Xuân Bảng cẩn thận hơn nữa đã chú Đường Lâm thuộc về Phong Châu. Nhầm lẫn của triều đình và các sử gia trong thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là có thể chấp nhận được, khi các quan biên tu triều Nguyễn không có quá nhiều thời gian và điều kiện để trực tiếp khảo sát địa phương, mà phần lớn các tư liệu đều do hệ thống nha lại các cấp ở dưới đưa lên. Tuy nhiên, ở hai thế kỷ sau đó, việc vô tình hay hữu ý, bất cập ở chuyên môn hay sự khéo léo trong câu chữ của các nhà làm sử đã viết tiếp trang huyền sử thời hiện đại cho mảnh đất này”. 

Lập luận này có những sai lầm như sau:

Một là: Không xem xét đầy đủ hai văn bản trước thời Nguyễn, là Việt điện u linh tập và Đại Việt sử ký toàn thư. Theo phân tích ở trên từ hai cứ liệu này thì rõ ràng Đường Lâm, đất của hai vua, ở Sơn Tây chứ không thể ở về phía Hà Tĩnh được.  

Hai là: Quy cho Nguyễn Văn Siêu gây ra những lầm lẫn của sử gia dưới triều Nguyễn. Nội dung này được chép rõ như sau: “Có thể thấy Nguyễn Văn Siêu là học giả đầu tiên ấn định địa danh Đường Lâm thuộc về Sơn Tây, sau đó thông tin này được chính sử nhà Nguyễn công nhận vào năm 1882. Kể từ đây, Sơn Tây đã tồn tại như một mảnh đất hai vua”.  

Như đã đề cập ở phần Phương Đình dư địa chí, quá trình chờ hiệu khám phải mất đến 18 năm mới được Phụ chính đại thần triều Nguyễn cho phép công bố, vào năm 1900. Cũng có thể nói là sách này chỉ mới được các học trò của Nguyễn Văn Siêu tập hợp lại hoàn chỉnh từ tác phẩm của ông vào năm 1882. Trong khi đó bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục được khởi thảo từ năm 1856, công bố năm 1884, còn quyết định công nhận di tích của vua Tự Đức là vào năm 1874, vậy thì làm sao lại có thể quả quyết gán trách nhiệm cho Nguyễn Văn Siêu về việc công nhận Đường Lâm ở Sơn Tây.

Ba là: Quy cho sử gia thế kỷ 20, mà có thể hiểu là chủ yếu nói về Trần Quốc Vượng, là “vô tình hay hữu ý, bất cập ở chuyên môn hay sự khéo léo trong câu chữ của các nhà làm sử đã viết tiếp trang huyền sử” về Đường Lâm.  

Chúng ta có thể chưa cần xem bài viết của Trần Quốc Vượng để xác nhận rằng có phải ông chủ yếu chỉ dựa vào tấm bia cho những lập luận của mình hay còn có những cứ liệu khác, và cũng có thể tạm không xem xét bia đó là giả mạo hay được khắc lại từ nội dung bia cũ. Thậm chí chúng ta có thể cho rằng điều đó đúng như nhận định của nhóm Trần Trọng Dương. Vậy thì cũng không thể lấy đó làm cơ sở để phủ nhận những sử liệu xưa, từ Việt điện u linh tập, Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Phương Đình dư địa chí...

Trần Quốc Vượng rõ ràng chỉ làm công việc bác bỏ một giả thuyết mà Đào Duy Anh mới nêu ra như một nghi ngờ, chứ không thể là người tạo dựng một quan điểm chính thống, như các tác giả này viết: “50 năm qua là 50 lớp người được hiểu về lịch sử theo quan điểm chính thống ấy. Những băn khoăn, trăn trở thuở nào của các bậc cựu học như Đào Duy Anh, Văn Tân đã không mấy ai còn biết đến nữa. Lịch sử đã xuôi theo một chiều đẹp đẽ làm thỏa mãn sự tự hào của bao nhiêu lớp người yêu văn hóa lịch sử Việt Nam”.

Cách suy luận của nhóm tác giả Trần Trọng Dương còn mặc định rằng nếu tài liệu A ghi nhận một sự việc trước tài liệu B thì có thể suy ra rằng B chép lại từ A. Suy luận này đã bỏ qua một khả năng là bên cạnh tài liệu A có thể còn có những tài liệu khác để B có thể tham khảo.  

Như vậy Đường Lâm ở Sơn Tây, đã được ghi nhận liên tục, nhất quán là mảnh đất hai vua Phùng Hưng và Ngô Quyền từ xưa đến nay, không thể bác bỏ. Không còn có một vùng Đường Lâm nào khác được ghi nhận.  

Hoan Châu được nói đến lại là một thực thể khác, vốn được thành lập trên cơ sở huyện Hàm Hoan thời Hán. Mà huyện này thì ở phía tây nam Quảng Tây, và có thể cả một phần phía đông nam Vân Nam. Tôi đã làm rõ điều này trong bài viết: Thử xác định vị trí một số quận huyện trên đất Lĩnh Nam thời Hán; Tìm khu vực trống đồng; Tìm kiếm căn nguyên của một số ngộ nhận lịch sử.