Search This Blog

Monday, October 24, 2022

Vị trí của nước Tây Đồ

 

Sử sách Trung Quốc ghi nhận nước Tây Đồ (西屠) nằm ở phía nam nước Lâm Ấp. Lâm Ấp thì vốn là một quốc gia độc lập, ở phía nam quận Nhật Nam của nhà Hán, bị Mã Viện xâm lược vào năm 43, rồi lại dành được độc lập từ khoảng năm 193.

Tên gọi Nhật Nam được giải thích là do ở đó bóng mặt trời đổ về phía nam nên được đặt thế. Về sau, người ta coi đó là một cơ sở để khẳng định vị trí Nhận Nam ở phía miền trung của Việt Nam ngày nay. Tuy nhiên, sách Thủy Kinh chú sớ, dẫn lời của Vương Sung, một học giả sống ở thế kỷ 1, khi ông hỏi trực tiếp những người từ Nhật Nam trở về thì họ trả lời là không phải như vậy hết cả, mà có lẽ chỉ ở tháng 5 [tức là tháng 6 dương lịch] (1). Theo căn cứ này thì có lẽ Nhật Nam phải ở khá gần đường chí tuyến bắc, tức là khoảng từ phía nam Quảng Tây Trung Quốc đến phía miền bắc Việt Nam là phù hợp hơn. Trong các bài viết trước tôi đã chỉ ra đúng là như thế. Nhật Nam ở miền nam Giao Châu, mà Giao Châu tức là Lĩnh Nam, vốn ban đầu được đặt tên theo miền núi Ngũ Lĩnh, cách rất xa đất Việt Nam. Một cơ sở khác để củng cố cho nhận định này, là chi tiết trong Hậu Hán thư, quyển 86, chép về thời điểm nhà Hán vừa thiết lập quận huyện ở Lĩnh Nam: “từ đông sang tây một nghìn dặm, từ nam chí bắc năm trăm dặm” (2).Mỗi dặm ước chừng 0.5km. Kích thước trên dĩ nhiên chỉ là ước đoán chứ không thể phản ánh hoàn toàn chính xác, nhưng rõ ràng phạm vi trên hẳn phải nằm lọt trong lưu vực hệ thống sông Châu Giang chứ không thể kéo dài tới miền trung Việt Nam.

Nhiều tài liệu xưa, và ngày nay được coi là một nhận thức chung, là Lâm Ấp đã trở thành huyện Tượng Lâm của quận Nhật Nam, sau khi bị Mã Viện chinh phục vào thời Hậu Hán. Tuy nhiên sách Tiền Hán thư ghi nhận các quận huyện thời Tây Hán trước đó cho thấy đã có huyện Tượng Lâm, một trong năm huyện của quận Nhật Nam. Vậy hẳn đã có sự nhầm lẫn.

Một người Trung Quốc đã viết một cuốn sách riêng về Lâm Ấp, gọi là Lâm Ấp ký. Sách này về sau thất truyền. Tác giả Lịch Đạo Nguyên, đầu thế kỷ 6, dẫn một đoạn Lâm Ấp ký, đề cập chi tiết sau khi Mã Viện chiếm Lâm Ấp, như sau: “Năm Kiến Vũ thứ 19 [năm 43] Mã Viện trồng hai cột đồng ở biên giới phía nam quận Tượng Lâm, ranh giới phía nam của nhà Hán với nước Tây Đồ” (3). Theo đó thì Lâm Ấp bị biến thành quận Tượng Lâm chứ không phải là huyện Tượng Lâm. Cũng theo Lịch Đạo Nguyên, dẫn sách “Tấn thư địa đạo ký”, năm Thái Khang thứ 3 thời Tấn [năm 283] nhà Tấn cơ cấu lại quận Nhật Nam, lị sở “cách cửa sông Lô Dung 200 dăm, là lị sở của huyện Tượng Lâm, Tượng quận thời Tần ngày trước” (4). Thời điểm này Lâm Ấp đã độc lập, thế nhưng nhà Tấn vẫn còn đất Tượng Lâm, vậy đây cũng là một cơ sở cho thấy Lâm Ấp không phải là huyện Tượng Lâm. Tôi cho rằng có thể đất Lâm Ấp mà Mã Viện chiếm được đã bị đặt thành một quận gọi là quận Tượng Lâm, mà về sau do nhầm lẫn hay cố ý người ta đã gán thành huyện Tượng Lâm của quận Nhật Nam.

Chi tiết về cột đồng nơi biên giới giữa Lâm Ấp và Tây Đồ được Lê Quý Đôn đề cập trong sách Vân đài loại ngữ, quyển 3, điều 52. Ông dẫn hai thuyết. Thứ nhất là thuyết của Đỗ Hựu: “Về phía nam Lâm Ấp, vừa thủy vừa bộ, đi hơn 2000 dặm, có nước Tây Đồ Di là nơi Mã Viện dựng hai đồng trụ để nêu rõ địa giới, núi Đồng Trụ chu vi 10 dặm, hình như cái lọng ngả ra, phía tây nhiều dãy núi trùng nhau, phía đông ra ngay biển lớn”. Thứ hai là thuyết của Tống Bạch: “Mã Viện đánh Giao Chỉ, đi từ Nhật Nam, đi về phía nam hơn 400 dặm thì đến Lâm Ấp, lại đi về phía nam hơn 200 dặm có nước Tây Đồ Di. Viện đến đấy đúc và dựng ba cột đồng ở biên giới Tượng Lâm để phân biệt địa giới với nước Tây Đồ Di. Kể từ Giao Châu đi đến chỗ đồng trụ là 5.000 dặm”. Ngoài ra, bộ Lương thư của Diêu Tư Liêm, đầu thế kỷ 7, ghi nhận về Lâm Ấp: “đất ấy dài rộng độ sáu trăm dặm, thành cách biển một trăm hai mươi dặm, phía bắc tiếp giáp với quận Cửu Đức. Biên giới phía nam đường thủy bộ đều hơn hai trăm dặm, có nước Di ở phía tây cũng xưng vương, chính là nơi Mã Viện dựng hai cột đồng để đánh dấu biên giới nhà Hán vậy”.

Con số 2000 dặm do Đỗ Hựu đưa ra có vẻ không hợp lý, xét cả về mức độ cần thiết cũng như khả năng hậu cần để có thể tiến xa ngoài kế hoạch như thế, bởi vì vốn ông ta chỉ đi bình định Giao Chỉ. Ngoài ra, ngày nay người ta đã chỉ ra được nhiều chi tiết lịch sử giả mạo về khu vực Tượng quận ở phía nam, mà vốn xuất phát từ Đỗ Hựu. Con số này có lẽ được lấy căn cứ theo biên giới phía nam của nước Lâm Ấp trước khi bị nhà Tùy xâm lược, vào đầu thế kỷ 7, chứ không phải Lâm Ấp thời Mã Viện xâm lược, ở thế kỷ 1. Đó là một sự nhập nhèm, có thể nhằm ngụy tạo ra một lịch sử về sự chiếm hữu của người Trung Quốc ở khu vực nam Trung bộ Việt Nam vào thời Tần Hán, lấy danh nghĩa cho việc thu phục hết phần còn lại của nước Lâm Ấp đương thời. Đỗ Hựu từng làm Tiết độ sứ ở Lĩnh Nam rồi làm tới chức Tể tướng của nhà Đường.

Vậy có thể con số thực tế là khoảng hơn 200 dặm, tức là hơn 100km tính từ thủ phủ Lâm Ấp đến ranh giới với nước Tây Đồ. Bây giờ chúng ta thử xác định vị trí thủ phủ này.

Căn cứ thứ nhất, dựa trên những kết quả tôi đã chứng minh rằng Lâm Ấp thời Mã Viện vốn ở miền bắc Việt Nam (https://hoangcuongviet.wordpress.com/2022/02/02/lan-nay-chung-ta-co-chap-nhan-xet-lai-lich-su-khong/), vậy thì thủ phủ Lâm Ấp cũng ở trên khu vực đồng bằng sông Hồng. Căn cứ thứ hai, dựa trên những kết quả khảo cổ về thành Cổ Loa cho thấy đó là một tòa thành cổ rất lớn. Người ta tìm thấy những viên gạch Hán được dập niên hiệu, được xác định là các năm 99, 105, 111, sau thời điểm Mã Viện chiếm Lâm Ấp, chứng tỏ đây là tòa thành quan trọng nên được họ chú tâm gia cường. Rất có thể đây chính là thủ phủ. Căn cứ thứ ba, là chi tiết trong Lương thư cho biết thành cách biển 120 dặm, tức là khoảng 60km. Từ Cổ Loa ra tới cửa sông Hồng ở thời đầu Công nguyên với khoảng cách đó là không sai lệch nhiều so với một số tính toán địa chất. Từ ba căn cứ này chúng ta có thể xác định Cổ Loa chính là thành của nước Lâm Ấp thời kỳ đó.

Từ Cổ Loa đi về ranh giới phía nam đường thủy lẫn đường bộ đều hơn 100km, vậy thì đường ranh giới đó hẳn chính là dãy núi Tam Điệp.

Theo mô tả của Đỗ Hựu: “núi Đồng Trụ chu vi 10 dặm, hình như cái lọng ngả ra, phía tây nhiều dãy núi trùng nhau, phía đông ra ngay biển lớn”, thì núi này phải nằm ở cực đông của dãy Tam Điệp. Chúng ta có thể thấy đó chính là ngọn núi Mai An Tiêm. Tính cả khu vực chung quanh núi, cao từ 4m trở lên thì đường chu vi khoảng gần 5km, tức là gần 10 dặm. Bên ngoài là các khu vực thấp hơn, có lẽ được bồi đắp về sau. Truyền thuyết Mai An Tiêm cũng cho biết rằng nơi này vốn là một hòn đảo. Vậy đây có lẽ chính là núi Đồng Trụ.

Kết hợp với việc dựa vào đặc thù địa lý để loại trừ các khả năng khác, thì có thể kết luận rằng khu vực Thanh Hóa, ít nhất là miền đồng bằng, chính là nước Tây Đồ xưa.


                                       Hình ảnh thể hiện ước lượng về phạm vi núi Đồng Trụ.

 Phía nam, cách dãy núi Tam Điệp khoảng 20km là khu vực Hậu Lộc, trung tâm của văn hóa Hoa Lộc thời tiền sử. Ở đây có cửa Lạch Trường, vốn là cửa chính của sông Mã, là trung tâm của Ái Châu ít nhất cho đến thời nhà Lý. Có thể đây chính là đô thành của nước Tây Đồ. Nhà khảo cổ học người Thụy Điển O. Janse từng khai quật được ở vùng này 29 cái mộ Hán, về sau người ta còn có thêm nhiều cơ sở khác để kết luận rằng nhà Đông Hán đã từng đặt được chế độ cai trị ở khu vực đồng bằng Thanh Hóa, như vậy lực lượng nhà Hán chiếm đóng Lâm Ấp đã kế tục Mã Viện mở rộng về phía nam, thôn tính luôn nước Tây Đồ.

Liệu tên gọi này có liên hệ gì với khái niệm Tây Đô?

Tên gọi của người Hán đối với nhiều quốc gia bên ngoài trong nhiều trường hợp chỉ là sự phiên âm tên do người bản địa gọi. Trường hợp Tây Đồ có lẽ cũng thế, bởi vì khái niệm này hiểu theo chữ Hán thì khá vô nghĩa. Ngược lại, tên gọi Tây Đô thì có ý nghĩa rõ ràng, chỉ một kinh đô ở phía tây.

Từ trước đến nay người ta thường hiểu Tây Đô là trị sở ở Thanh Hóa, còn Đông Đô là khu vực Hà Nội. Tuy nhiên, dù thành Tây Đô có dịch chuyển đâu đó dọc đồng bằng ven biển Thanh Hóa thì tương quan phương vị giữa Đông Đô và Tây Đô vẫn hầu như là chính bắc nam chứ không thể là đông tây được. Ngay cả trường hợp đặt kinh thành phía bắc ở Hoa Lư, thời Đinh và Tiền Lê, thì cũng không thể gọi tương quan này là đông tây.

Trong bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư, khái niệm Tây Đô thậm chí còn được đề cập trước khái niệm Đông Đô. Sách này chép về sự kiện Lê Hoàn đánh dẹp Đinh Điền và Nguyễn Bặc, cuối năm 979: “Bấy giờ Hoàn mới chỉnh đốn binh sĩ, đánh nhau với Điền, Bặc ở Tây Đô”, kèm theo lời giải thích: “Hoàn người Ái Châu, mà kinh đô ở Hoa Lư, cho nên sử gọi Ái Châu là Tây Đô”. Thời điểm này Đinh Tiên Hoàng vừa mới chết, Lê Hoàn chưa lên làm vua, vậy chưa thể nào lập Tây Đô được? 

Vậy phải chăng tên gọi Tây Đô cũng là do chuyển dịch từ Tây Đồ mà ra?

Người viết bài này thử đưa ra một giả thuyết. Sau khi dành lại độc lập, từ cuối thời Đông Hán, biên giới Lâm Ấp dần được mở rộng ra, bao gồm cả phạm vi nước Tây Đồ và xuống tới cả phía nam Trung Bộ thì tên gọi cũ của các nước đã bị xóa dần đi. Kinh thành Lâm Ấp thời kỳ này nằm ở phía ven biển đông Bắc Bộ, điều này tôi đã chứng minh, qua bài viết đã được dẫn ở phần trên. Sử sách Trung Quốc ghi nhận nhiều cuộc chiến tranh giữa Lâm Ấp và nhà cai trị Giao Châu, mà có trường hợp họ đã chiếm đóng và san phẳng cả kinh thành Lâm Ấp, vì vậy nhà nước Lâm Ấp có thể đã xây dựng thêm một đô thành mang tính phòng thủ ở khu vực Thanh Hóa, tức là nằm về phía tây nam của kinh đô chính thức, lúc này tên gọi của thành Tây Đồ đã bị biến ra thành Tây Đô. Ở giai đoạn này chữ Hán đã phổ biến và hệ thống từ vựng Hán Việt đã hình thành. Rồi khái niệm Tây Đô lại chi phối các vị vua chúa có nguồn gốc từ Ái Châu để rút cục gọi kinh thành phía bắc là Đông Đô.

 

 

Chú thích:

1.       Thủy kinh chú sớ, bản dịch của Nguyễn Bá Mão, trang 373

2.       Hậu Hán thư – quyển 86, An Nam truyện, bản dịch của Châu Hải Đường, trang 187

3.       Thủy kinh chú sớ, sđd, trang 395

4.       Thủy kinh chú sớ, sđd, trang 366