Search This Blog

Sunday, April 21, 2019

Những thiếu sót và bất hợp lý trong sử sách về Mạc Đăng Dung và nhà Mạc



Kết quả hình ảnh cho chan dung "mac thai to"


Nhận thức phổ biến ngày nay về Mạc Đăng Dung và nhà Mạc dựa chủ yếu vào các bộ sử dưới thời Lê Trung hưng, trên cả phương diện dữ kiện và diễn giải. Do các sử gia còn phải thực hiện thêm chức năng cáo buộc, vì thế không tránh khỏi thiên lệch. Để tiếp cận sự khách quan, cần đặt vấn đề xem xét lại tính hợp lý về những điều sử gia thời Lê Trung hưng đã viết. 

Qua những tìm tòi, thể hiện trong bài viết dưới đây, tác giả đã chỉ ra một số bất hợp lý trong ghi chép sử dưới triều Lê Trung hưng, đồng thời đưa ra những lý giải mới về vấn đề Mạc Đăng Dung và triều Mạc. Mong nhận được sự trao đổi, tranh luận.


I. Thời kỳ nhà Lê

Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép Mạc Đăng Dung là cháu bảy đời trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, sinh năm 1483, vốn có sức khỏe, đỗ võ cử, được sung vào quân túc vệ, được phong chức Đô chỉ huy sứ chỉ huy vệ Thiên vũ năm 1508, được phong tước Vũ Xuyên bá năm 1511 (1). Một đoạn khác thì chép: “Đăng Dung người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, lúc bé làm nghề đánh cá, đến khi lớn lên có sức khỏe, thi đỗ lực sĩ xuất thân”(2).
Lê Quý Đôn chép: “…Ít tuổi đã dũng mãnh, nhà nghèo, làm nghề đánh cá. Thời vua Uy Mục cầu dũng sĩ, Dung dự thi môn đánh vật, trúng Đô lực sĩ xuất thân, được sung vào quân túc vệ, giữ việc cầm dù theo xe vua. Khoảng đời Thụy Khánh, thăng bổ chức Đô chỉ huy sứ vệ Thiên vũ. Năm Hồng Thuận thứ 3 (1511), tiến phong tước Vũ Xuyên bá, năm này Dung 29 tuổi”(3).

Từ đó dẫn đến một nhận thức phổ biến là Mạc Đăng Dung xuất thân từ tầng lớp thấp kém, nghèo và ít học, nhờ sức khỏe mà thăng tiến.

Danh hiệu Đô lực sĩ xuất thân là dành cho người đứng đầu kỳ thi võ khoa toàn quốc, tương đương danh hiệu trạng nguyên bên văn giai. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có đề cập về kỳ thi võ triều Lê, năm 1428: “Ngày 28, chỉ huy cho các quan viên quân dân, hẹn đến tháng 5 sang năm đến tại Đông Kinh, quan văn thì thi kinh sử, người nào tinh thông bổ làm quan văn, quan võ thì thi võ kinh, phép lệnh và kỳ thư” (4). Như vậy ngay đầu triều Lê thì kỳ thi võ khoa để tuyển quan võ đã có yêu cầu về kiến thức trong võ kinh, tức là người trúng tuyển phải có trình độ học vấn nhất định. Phép thi võ đã được hoàn thiện ở Trung Quốc từ thời nhà Tống, đòi hỏi sự am hiểu về bảy bộ binh pháp nổi tiếng, gọi là Võ kinh thất thư. Đề cập ở trên chứng tỏ phép thi này đã du nhập vào nước ta muộn nhất là đầu triều Hậu Lê. Các tài liệu về thi võ thời phong kiến cũng cho biết là thí sinh phải thi vòng ngoài về kiến thức sơ đẳng, vòng giữa thi võ nghệ đảm lược, vòng trong thi về binh thư (5). Do đó cách chép của Lê Quý Đôn trong sách Đại Việt thông sử: “Dung dự thi môn đánh vật, trúng Đô lực sĩ xuất thân” là một sự xuyên tạc, bằng việc lấy một môn thi về cơ bắp để gán cho cả kỳ thi.


Từ phân tích trên, cho thấy việc Mạc Đăng Dung đỗ đầu trong kỳ thi này khi mới ngoài 20 tuổi, năm 1508 khi mới 25 tuổi ông đã được giao chức Đô chỉ huy sứ, chứng tỏ ông được học hành cả chữ nghĩa lẫn võ nghệ từ rất sớm để đạt đến một đẳng cấp mà với điều kiện của một dân chài nghèo thì không thể đáp ứng.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư vốn chép “sơ dĩ vi ngư nghiệp”(6), một cách chung chung, vì Cổ Trai là vùng cửa biển, chứ không nói ông là thợ chài lưới như trên văn bản dịch ra chữ quốc ngữ hiện nay. Nếu không bị ảnh hưởng bởi bản dịch thì có thể cho rằng có sức khỏe là một yếu tố bổ sung cho tài năng, giúp ông có khởi đầu tốt trên đường binh nghiệp, chứ không phải ông chỉ là một người chài lưới có sức khỏe. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi nhận là ông là cháu bảy đời trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, khi làm quan đã có hai bản tâu đã thể hiện trình độ học thức cao, buộc tội nhóm Trần Công Vụ gieo rắc mê tín dị đoan, Lê Quảng Độ tội phản bội(7), khi làm vua đã chú trọng việc thi cử Nho học. Từ đó cho thấy sự mô tả của Lê Quý Đôn về xuất thân thấp kém và võ biền của Mạc Đăng Dung là không chính xác, nhằm tạo ra nhận thức rằng triều Mạc có xuất phát điểm thấp kém, không xứng đáng làm vua.

Không có ghi chép nào về hoạt động quân sự của Mạc Đăng Dung trong khoảng thời gian từ năm 1508 đến năm 1516, khi ông được cử làm trấn thủ Sơn Nam, chức phó tướng Tả đô đốc. Đô đốc là một cấp bậc rất cao đương thời, hàm tòng nhất phẩm, Sơn Nam lại là một trấn trọng yếu. Thăng tiến nhanh rất nhanh trong một giai đoạn đầy chiến loạn chứng tỏ đóng góp của Mạc Đăng Dung cho triều Lê trong 8 năm này là không nhỏ, sử thần thời Lê Trung hưng bỏ qua những công trạng của ông là điều có thể hiểu được.

Lê Quý Đôn nhận xét rằng "Đăng Dung trong lòng chứa mưu gian, nhưng bề ngoài làm ra vẻ thật thà ngay thẳng, để mua danh dự"(8) khi đề cập đến việc Mạc Đăng Dung dâng sớ trị tội những kẻ lợi dụng tà đạo để mê hoặc dân chúng, trị tội cả những quan lại bao che, lại dâng sớ xin giết Thiệu quốc công Lê Quảng Độ vì tội đầu hàng và phục vụ Trần Cảo. Đó là nhận xét mang tính định hướng. Mạc Đăng Dung từng để cho Nguyễn Hoàng Dụ thoát sau khi  nhận được một bức thư và một bài thơ của ông này (9). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư còn chép một sự kiện khác là Đăng Dung không nỡ chặn bắt nên Nguyễn Hoàng Dụ thoát được về Thanh Hóa (10). Phản ứng của Mạc Đăng Dung có thể xuất phát từ phương diện đạo lý, trước một đồng liêu bị đối xử bất công hoặc từ một mối ân tình nào đó, vì không thấy có dấu hiệu lợi dụng nào cả.

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tháng 7 năm 1518 vua Lê Chiêu Tông lừa Thiết sơn bá Trần Chân vào cung cấm rồi sai quân giết đi. Thuộc hạ của Trần Chân là Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Áng, Nguyễn Kính làm loạn chiếm kinh thành, vua phải chạy sang Gia Lâm, khi đó Trịnh Tuy đã bỏ chạy và sau đó hợp tác với phe phản loạn, Nguyễn Hoàng Dụ thì không chịu ra, vua chỉ còn trông cậy vào Mạc Đăng Dung.

Sau đó có hai vụ việc xảy ra, một là giết quốc cữu Chử Khải, Thọ quốc công Trịnh Hựu, Thụy quận công Ngô Bính, hai là giết Đô ngự sử Đỗ Nhạc cùng phó đô ngự sử Nguyễn Dự. Theo Toàn Thư thì vua gây ra vụ thứ nhất, vì nghe lời xúi của bọn Đàm Cử, còn Mạc Đăng Dung gây ra vụ thứ hai. Lê Quý Đôn, trong sách Đại Việt thông sử, lại cáo buộc Mạc Đăng Dung cả hai vụ. 

Vụ việc thứ nhất, Toàn Thư vốn đã chép ở sự kiện Trần Chân bị giết, là do bọn Chử Khải, Trịnh Hựu, Ngô Bính gièm pha. Khi các thuộc tướng của Trần Chân nói rằng nếu giết được ba người ấy thì vua tôi lại như cũ, không có ý gì khác, vua nghe theo kế của Đàm Cử, giết bọn Khải, nhưng bọn phiến loạn thì càng dông dỡ hoành hành, giữ quân không giải tán. Theo Lê Quý Đôn thì Đăng Dung muốn mượn thế giặc để giết hại đại thần, cho hết vây cánh nhà vua, bèn lập ra kế: Vờ cho người đi dụ bọn Kính, Áng hàng rồi mạo lời chúng yêu sách, liền ức hiếp triều đình giết Đoan quận công Ngô Bính, Thọ quận công Trịnh Hựu, và bọn Trử Khải để vừa lòng giặc” (11). Như vậy, Lê Quý Đôn, chép sử sau Toàn Thư gần một thế kỷ, đã chuyển vai trò thủ phạm từ Chiêu Tông sang cho Mạc Đăng Dung mà chẳng đưa ra được cơ sở nào cả.

Vụ việc thứ hai, theo Toàn Thư thì Mạc Đăng Dung cho rằng vua ở điện Thuần Mĩ gần với địa phương của con em Trần Chân nên xin vua thiên vê Bảo Châu. Đỗ Nhạc và Nguyễn Dự đều can. Đăng Dung sai người bắt Dự và Nhạc đến chỗ ruộng dâu ngoài cửa Bắc hành dinh Xuân Đỗ giết đi. Tuy nhiên, qua một số chi tiết trong Toàn Thư thì sự việc có thể không đúng như thế.
Tháng 10 năm 1518: “Sai Lại bộ thượng thư Lê Sạn dụ tế cố Đô ngự sử Đỗ Nhạc, và ban 100 quan tiền điếu viếng (12).
(Nhạc người làng Lại Ốc, huyện Văn Giang; tên tự là Đôn Chính, tên thuỵ là Văn Tiết, tên hiệu là Nghĩa Sơn tiên sinh. Sinh được bốn con trai, con trưởng là Tổng, đỗ tiến sĩ cập đệ khoa Kỷ Sửu đời Minh Đức nhà Mạc, làm quan đến Đông các đại học sĩ, con thứ là Tấn, đỗ đồng tiến sĩ khoa Ất Mùi đời Đại Chính nhà Mạc, làm quan đến Hình bộ thượng thư Trà quận công, chết trận. Nhạc có tập thơ vịnh các đế vương trong sử theo thể Đường luật lưu hành ở đời).
Năm 1520:  Tháng 8 nhuận, ngày 23, truy tặng Đỗ Nhạc làm Thiếu bảo, Thượng thư, Ngự sử đài đô ngự sử Văn Trinh bá, tên Thuỵ là Văn Tiết” (13).

Nếu Mạc Đăng Dung giết Đỗ Nhạc thì ít có khả năng hai con trai Đỗ Nhạc lại ra thi và được làm quan to vào đầu triều Mạc. Nhà Mạc làm sao có thể giao cho hai người này chức vụ đến thế. Rồi lại còn vinh danh Đỗ Nhạc ở thời điểm Mạc Đăng Dung đang diệt các thế lực phản loạn, đang là tiết chế quân đội, làm chỗ dựa cho triều đình.
Một khả năng có thể xảy ra là thuyết này do các phe phái đối lập muốn tuyên truyền để lôi kéo lực lượng nhằm chống lại Mạc Đăng Dung nên đã tung ra, vê sau sử thần nhà Lê theo đó chép.

Nhóm thủ hạ Trần Chân và nhóm Trịnh Tuy liên kết với nhau và lập vua mới, cuối cùng bị Mạc Đăng Dung đánh bại. Ngày 20 tháng 9 năm Kỷ Mão (1519) nhà vua trở về kinh, phong Mạc Đăng Dung làm Minh quận công, đầu năm 1520 phong làm tiết chế các xứ thủy bộ chư dinh, mùa xuân năm Tân Tị (1521) lại phong làm Nhân quốc công. Trong sắc dụ nhà vua khen tặng vào tháng 9 năm này: "quân đi đến đâu, không xâm phạm mảy may của dân, cư dân các xã đều đã thú phục, tin báo thắng trận nhiều lần tâu lên, trẫm rất khen ngợi" (14), thể hiện được phẩm chất minh và nhân của ông.
Vậy, cho đến thời điểm tháng 9 năm 1521 thì sự đối kháng giữa nhà vua và Mạc Đăng Dung là chưa có hoặc ít nhất là chưa thể hiện công khai. Trong bối cảnh như vậy sẽ vô lý khi vinh danh cho Đỗ Nhạc nếu quả thật Mạc Đăng Dung là người ra lệnh giết ông này.

Quãng thời gian trị vì của vua Lê Chiêu Tông chính là giai đoạn rối ren nhất của triều Lê Sơ, những bất cập của chế độ được tích lũy sau gần một thế kỷ tồn tại đã đến đạt đến giới hạn. Trong hoàng tộc, việc các hoàng thân quốc thích thường bị trừ bỏ đã khiến hoàng tộc nhà Lê trở nên suy tàn. Gia tộc Trịnh và  Nguyễn, vốn là chỗ dựa của triều đình, lại trở nên không thể kiểm soát. Họ ngang nhiên làm những việc như bắt, giết, phế, lập trong triều. Hệ thống quan lại, giúp việc quản lý xã hội, thì suy đồi nghiêm trọng. Ngay từ năm 1499 dưới thời Lê Hiến Tông, trong chiếu chỉ của nhà vua đã có nói đến: "Sao mà những kẻ tại chức đều bị vị, không nghĩ đến phép tắc của triều đình. Người vì nước quên nhà thì ít, người bỏ chức phận thì nhiều" (15). Cũng trong khoảng thời gian này đã có loạn lạc, theo Toàn Thư, năm 1498: "Trong hạt Nghệ An, Thuận Hóa trộm cướp đều nổi, quân bên cạnh đánh dẹp không yên được" (16). Những biểu hiện đó cho thấy chế độ đã bắt đầu quá trình suy sụp.

Đặc điểm của mô hình kinh tế thời Lê là trọng nông, nguồn thu chủ yếu của nhà nước là từ ruộng đất. Khi mới giành được độc lập, vua Lê Thái Tổ thu hết ruộng đất của chính quyền và quan lại thời Minh thuộc và của các thế gia triều trước (17), điều đó khiến cho chính quyền nhà Lê trở nên mạnh mẽ, có đủ nguồn lực đè bẹp xu hướng tản quyền trong nước, đồng thời chinh phục bên ngoài và mở rộng cương vực rất đáng kể. Nhưng cũng chính vì có được lượng ruộng đất lớn, nên đã ban phát rất rộng rãi. Dựa trên một số tài liệu gia phả còn lưu truyền cho biết có vị tên là Nguyễn Công Duẩn được cấp 470 mẫu 5 sào, Lưu  Nhân Chú được cấp 500 mẫu(18). Theo Toàn Thư, năm 1460 vua Lê Thánh Tông đã ban thưởng ruộng thế nghiệp cho 30 đại thần có công phò lập, trong đó Nguyễn Xí, Đinh Lễ được cấp 350 mẫu, Lê Lăng 300 mẫu, Lê Niệm 200 mẫu... Thể lệ cấp ruộng đất thời Lê, gồm tổng các loại thế nghiệp điền, thế nghiệp thổ, tứ điền, bãi dâu, tự điền, là: Thân vương 2090 mẫu, Tự thân vương 1346 mẫu, Quốc công 1134 mẫu, Quận công 952 mẫu, Hầu tước 830 mẫu, Bá tước 668 mẫu, Chánh nhất phẩm 218 mẫu, Tòng nhất phẩm 176 mẫu... Bàn về thể lệ cấp ruộng đất của nhà Lê, vua Tự Đức nhà Nguyễn cảm thấy khó tin vì cho rằng nếu như vậy thì thuế công chả còn bao nhiêu (19). Có lẽ khó mà đủ ruộng để duy trì lâu dài nhưng ít nhất thì ban đầu cũng phải được tuân thủ. Ruộng đất dễ dàng bị ban phát cho tầng lớp cai trị thân hữu tất khiến nhà nước bị giảm nguồn thu thuế, bộ máy hoạt động theo thời gian lại càng phình to và thiếu trách nhiệm, sẽ khiến dân chúng đã không được chăm lo mà lại càng phải chịu mức thuế má nặng nề hơn để nuôi chế độ, là nguyên nhân khiến loạn lạc xảy ra khắp nơi.

Lê Chiêu Tông đã phải lánh sang Gia Lâm đến hơn một năm trong bối cảnh đất nước hỗn loạn, ở Thăng Long "cướp phá bừa bãi, trong thành không còn gì cả. Kinh sư thành ra nơi đánh cá và săn bắn" (20). Nhờ tài năng của Mạc Đăng Dung khiến trật tự được vãn hồi, kéo đất nước khỏi bờ vực sụp đổ.

Được gần ba năm, lại xảy ra một chuỗi biến cố.

Ngày 27, tháng 7 năm Nhâm Ngọ (1522) xảy ra sự kiện Lê Chiêu Tông chạy ra bên ngoài và gọi người các xứ để chống lại Mạc Đăng Dung.
Trước đó Chiêu Tông đã mật chiếu kêu gọi nhiều nơi khởi quân, lại được Trịnh Tuy đưa quân từ Thanh Hóa ra giúp. Thái sư Lê Phụ, thái phó Mạc Đăng Dung cùng các đại thần trong triều lập Lê Cung Hoàng lên làm vua. Lê Chiêu Tông không thể thắng được, lại bị Trịnh Tuy và Trịnh Duy Thuận ép buộc đi về Thanh Hóa vào tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1522). Chiêu Tông (Quang Thiệu đế) bị phế làm Đà Dương vương.

Tháng 10 năm Ất Dậu (1525) Mạc Đăng Dung thống suất quân lính đi đánh Trịnh Tuy ở Thanh Hóa, đón được Chiêu Tông ở châu Lang Chánh, cho quân lính hộ tống về kinh, có tham dự buổi chầu. Nhân sự kiện đó triều đình ban chiếu đại xá. Tháng 2 năm Bính Tuất (1526) vua Cung Hoàng về ngự ở Tây Kinh, một nghi lễ của các vua Lê, Chiêu Tông cũng được dự cùng. Tháng 12 năm Bính Tuất (1526) Chiêu Tông bị Mạc Đăng Dung sai Phạm Kim Bảng bí mật giết chết.

Tháng 4 Đinh Hợi (1527) nhà vua sai người về Cổ Trai tấn phong cho Mạc Đăng Dung làm An Hưng Vương. Tháng năm, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai về kinh sư yết kiến vua, sau đó trở về. Tháng 6, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai về kinh bắt vua phải nhường ngôi. Nhà Mạc được lập nên từ thời điểm đó.

Sử thần thời Lê Trung hưng đã cáo buộc Mạc Đăng Dung có mưu đồ tranh đoạt ngay khi vừa được gọi về kinh để giúp nhà vua. Như đề cập ở trên, họ gắn Mạc Đăng Dung vào hai sự kiện người của nhà vua bị giết hại, trong đó các tác giả Toàn Thư cáo buộc một vụ, Lê Qúy Đôn cáo buộc cả hai vụ. Phân tích ở trên cho thấy cả hai cáo buộc này đều mang tính chủ quan duy ý chí, thiếu cơ sở, nhằm tạo ra định kiến phục vụ cho lý giải tiến trình từ năm 1518, mà theo đó thì tất cả mọi biến cố đều do Mạc Đăng Dung gây ra.

Vậy có thể xem xét vấn đề mà không phụ thuộc vào định kiến đó.

Lý giải cho sự xung đột, sử thần nhà Lê viết: "Khi ấy, Mạc Đăng Dung uy quyền ngày một to, lòng người đều hướng về. Đăng Dung đem con gái nuôi vào hầu vua, tiếng là chầu hầu, thực ra là để dò xét coi giữ. Lại cho con trưởng là Đăng Doanh làm Dục Mĩ hầu, trông coi điện Kim quang. Đăng Dung đi bộ thì lọng phượng dát vàng, đi thủy thì thuyền rồng dây kéo, ra vào cung cấm, không kiêng sợ gì. Lại giết bọn thự vệ Nguyễn Cấu, đô lực sĩ Minh sơn bá Nguyễn Thọ và Đàm Cử" (21). Lời cáo buộc này bộc lộ sự khiên cưỡng, vì rằng một con người vừa công khai hành xử vô pháp vô thiên thì khó mà thu hút được lòng mọi người đến mức nhà vua phải e ngại.

Lịch sử cho thấy có những mối quan hệ không dễ dàng giữa một vị vua và một vị đại thần có công lao và uy vọng quá lớn. Trường hợp giữa Lê Chiêu Tông và Mạc Đăng Dung, con người xuất thân từ xứ Đông, có lẽ còn bị ảnh hưởng tiêu cực thêm bởi một lời đồn lan truyền trong thiên hạ từ hơn mười năm trước rằng ở phương Đông có khí sắc thiên tử, khiến triều đình phải sai Nghĩa quốc công Nguyễn Văn Lang đem thuật sĩ ra Đồ Sơn trấn áp (22).
Vua Lê Chiêu Tông, theo một nhận xét của sử thần nhà Lê: "trong nghe lời siểm nịnh, ngoài mê đắm săn bắn chim muông, ngu tối không biết gì, ương ngạnh tự phụ, đến nỗi nguy vong là đáng lắm" (23). Nhà vua lại tỏ ra hành xử rất bạc bẽo. Trần Chân và Nguyễn Hoàng Dụ, những người có công lao phò lập ông ta, rút cục kẻ bị gọi vào cung cấm rồi giết chết, kẻ bị vua sai người về tận Thanh Hóa để truy diệt rồi còn cho đào cả mả thân phụ ông ta lên để chém đầu. Trước vua nghe lời xúi của bọn Chử Khải, Trịnh Hựu, Ngô Bính để gây vạ, sau nghe lời Đàm Cử lại bán đứng bọn này cốt để vừa lòng quân phản loạn. Mạc Đăng Dung về kinh lãnh trọng trách bên cạnh một đám vua tôi như thế là đã bị đặt vào thế cưỡi lưng cọp, nguy hiểm rập rình. Diễn biến các sự việc theo mô tả thì nhà vua và những kẻ bên cạnh chỉ đơn giản là nạn nhân của Mạc Đăng Dung, đó chỉ là cáo buộc từ một phía.

Ông vua bị phế truất được đưa từ miền núi Thanh Hóa về, được binh lính đón rước để tham dự một buổi thiết triều, nhân sự kiện đó triều đình lại loan báo đại xá (24), sau đó Lê Chiêu Tông còn cùng vua Lê Cung Hoàng đi về Tây Kinh, một sự kiện có tính nghi lễ của triều đình, qua đó cho thấy vị tất ban đầu Mạc Đăng Dung đã muốn trừ bỏ ông này, nếu không thì đã cho thủ tiêu luôn ở vùng núi Thanh Hóa kín đáo hơn là mang về kinh hơn một năm rồi mới giết. Chiêu Tông, con người u tối ngang ngạnh có thể đã không cam chịu nên rút cục mới bị giết. Trước đó Mạc Đăng Dung cũng mới giết người em rể là Tiến quận công Nguyễn Lĩnh vì bị tố âm mưu lập đảng, chứng tỏ trong nước vẫn chưa yên.

Sự kiện Mạc Đăng Dung ép Lê Cung Hoàng nhường ngôi, mở ra một triều đại mới diễn ra trong bối cảnh người trong nước đều thuận theo, dân chúng kinh thành đều ra đường đón, các quan trong triều đứng ở ban chầu để chờ đợi (25). Đây là một cuộc thay đổi phản ánh mong muốn của toàn xã hội, ít mang tính chất nội bộ cung đình hơn so voi các thay đổi từ Đinh, Lê, Lý, Trần trước đó. Điều khiến sự việc này bị nhìn nhận tiêu cực hơn, chính là sự định hướng của các triều đình Lê - Trịnh và triều Nguyễn, những chế độ được khởi đầu nhờ chiêu bài chống nhà Mạc.

Nhu cầu có một chế độ tốt đẹp là một nhu cầu tự nhiên và phổ quát. Từ góc độ dân chúng thì điều đó có ý nghĩa hơn những lý thuyết giáo điều về trung quân, về thiên mệnh mà các triều đại phong kiến luôn tìm cách cài đặt vào nhận thức của xã hội, mà ngoài mong muốn để vận hành một xã hội có kỷ cương thì còn là để duy trì mãi mãi quyền lợi địa vị cai trị. Chế độ nào muốn tồn tại cũng phải dựa vào dân chúng. Dân là gốc (Dân vi bản) là một chân lý có tính phổ quát và trường tồn. Một chế độ đã không còn phục vụ được dân chúng tức là đã đánh mất sự chính danh, ngay cả quan niệm của Nho gia đã coi đó là mất thiên mệnh, phải bị thay thế.
Mạc Đăng Dung cũng khó còn lựa chọn nào khác để giữ an toàn cho bản thân ông cùng những người ủng hộ trong triều. Lê Cung Hoàng là em ruột Lê Chiêu Tông, mặt khác nền chính trị nhà Lê tập trung cao độ quyền lực vào nhà vua cùng với tập quán sử dụng người cục bộ, thì một khi nhà vua nắm lại được quyền lực sẽ khó mà bỏ qua cho ông được. 

Chế độ nhà Lê đã không còn phù hợp với xã hội. Các sử gia thời Lê Trung hưng, dù đứng trên lập trường của nhà Lê, vẫn phải thừa nhận vận nước đã suy, vì vậy một triều đại mới nổi lên thay thế là sự vận động khách quan tất yếu. 
Để có một cái nhìn toàn diện hơn, xin bàn tới một số vấn đề về nhà Mạc.



II. Thời kỳ nhà Mạc

Lịch sử là một dòng chảy tiếp nối, kế thừa. Các triều đại thăng trầm và nối tiếp nhau là một thực tế khách quan. Để đánh giá một triều đại mới lên có thể dựa vào một số tiêu chí, như sự kế thừa và sự canh tân.


Trước tiên hãy xem cách nhà Mạc đối xử với di sản của triều đại cũ.

Nhà Mạc không có sự truy bức con cháu nhà Lê, đó là một cách hành xử ít phổ biến trong những sự kiện thay đổi triều đại. Con cháu của An vương Lê Tuân vẫn sống yên ổn dưới thời nhà Mạc. Một nhánh khác là con cháu của Cung vương Lê Khắc Xương, được Lê Thánh Tông ban đổi sang họ Bùi, có tiến sĩ Bùi Hoằng đã phục vụ triều Mạc, được phong tước An thủy bá (26). Lầu điện cùa nhà Lê ở Lam Kinh được cho tu sửa để tế lễ vào mùa xuân và mùa thu hàng năm (27).

Các quan lại của cựu triều vẫn được sử dụng. Toàn Thư cho biết vừa lên ngôi Mạc Đăng Dung đã thăng thưởng cho 56 người. Toàn Thư đưa ra một chi tiết về hành vi của Thượng thư Trương Phu Duyệt, là khi các quan đã đứng vào ban chầu và bảo ông này thảo chiếu nhường ngôi thì ông trợn mắt mắng rằng:"Thế là nghĩa gì?", chi tiết thường được nêu ra như một biểu tượng chống đối. Tuy nhiên, Trương Phu Duyệt vẫn làm quan dưới triều Mạc, chỉ bị hạ chức xuống Tả thị lang và sau điều đi làm Thừa tuyên sứ đạo An Bang, tức là làm chức trưởng quan ở một trong 13 đạo trên toàn quốc, chứng tỏ nhà Mạc rất khoan dung và thu phục được người chống đối ở lại phục vụ chế độ mới (28).

Nhà Mạc thu hút được nhiều con em các quan lại thời nhà Lê ra thi cử và phụng sự. Có Đỗ Tổng và Đỗ Tấn là con của Đỗ Nhạc, Nguyễn Địch Giáo (đỗ tiến sĩ năm 1529) là con Nguyễn Duy Minh (tiến sĩ năm 1502), Bùi Vĩnh (đỗ tiến sĩ năm 1532) là con của Bùi Xương Trạch (1478), Hoàng Du (đỗ tiến sĩ năm 1532) là con của Hoàng Thông (1526), Vũ Hữu Dụng (1532) là con của Vũ Tiến Chiêu (1496), Nguyễn Uyên (1535) là con của Nguyễn Tuệ (1511), Đinh Soạn (1538) con của Đinh Thuận (1499), Nguyễn Hoành Xước (1538) con của Nguyễn Duy Tường (1508) ...(29). Toàn Thư chép rằng phần lớn con cháu công thần thế gia đều trốn không phục vụ nhà Mạc, là không chính xác.

Khoa thi đầu tiên cùa nhà Mạc được tổ chức chỉ sau hai năm thành lập. Trên tấm bia Minh Đức tam niên đề danh ký cho biết khoa thi này đã thu hút đến 4.000 người tham dự (30). Đối chiếu với một số khoa thi dưới triều Lê trước đó: năm 1499 có hơn 5000 người ứng thí, kỳ thi năm 1502 có 5000 người, kỳ thi năm 1514 có 5700 người (31). Mức độ sụt giảm này, nếu trừ đi cả nhóm người đang ở yên quan sát chế độ mới chứ chưa vội ra thi, thì có thể thấy tỉ lệ nho sĩ, tầng lớp vốn bảo thủ nhất về trật tự nho giáo, không chấp nhận sự thay đổi triều đại là khá nhỏ, hấu hết các cuộc thay đổi triều đại khác đều không được như thế.
Nhà Mạc lại cho "kiểm tra các bia đề tiến sĩ của triều Lê trước, khoa nào đã có bia mà bị vỡ lở thì lập lại bia khác, khoa nào đáng ghi mà chưa có bia thì dựng lại bia mới. Lại sai bọn hiền thần chia nhau soạn các bài ký(32).

Tư tưởng kế thừa được thể hiện trong việc nhà Mạc giữ nguyên pháp độ nhà Lê. Bộ luật Hồng Đức Thiện Chính dưới thời nhà Mạc chính là sự kế thừa, có bổ sung, vẫn lấy tên Hồng Đức, vị quân chủ thời Lê với công lao xây dựng thể chế rất nổi bật.


Các sử thần thời Lê Trung hưng cho rằng sở dĩ nhà Mạc đối xử rộng rãi là nhằm mua chuộc lòng người, phải giữ nguyên pháp độ nhà Lê vì sợ dân không theo. Đã là nhận định thì có thể đúng, có thể sai, nhưng không thể đơn giản bỏ qua mà không hề tính đến tư tưởng nhân đạo. Việc tìm cách để có được lòng dân là ưu tiên hàng đầu của mọi chế độ, nhưng không ít chế độ lại chọn cách thu được lòng dân bằng cách xóa ký ức của dân chúng về chế độ trước thông qua việc xóa bỏ các di sản. Sự tai hại của cách giải thích lịch sử đó là cổ vũ sự phá bỏ thay vì kế thừa. Hành xử theo tư duy phá bỏ sẽ khiến mất mát rất nhiều di sản, khiến ký ức của cộng đồng trở nên khiếm khuyết, đứt gãy, lệch lạc. Chúng ta cần có một cái nhìn tích cực đối với việc kế thừa nói chung, trừ những thứ đã không còn phù hợp.

Không chỉ kế thừa, nhà Mạc còn có sự cải cách.

Toàn Thư chép: " Đăng Dung cho là sau khi hòa bình chế độ dần dần trễ nải, ý muốn thay đổi dóng dả, mới sai bề tôi là bọn Quốc Hiến bàn định binh chế, điền chế, lộc chế...". (33)
Năm 1530 nhà Mạc soạn 59 điều cáo ban hành (34).
Sự cải cách của nhà Mạc còn được nhận thấy trong đoạn chép của Toàn Thư: "Mạc có lệnh cấm các xứ trong ngoài người ta không được cầm giáo mác và binh khí hoành hành ngoài đường sá, ai trái thì cho pháp ty bắt. Từ đấy người buôn bán và người đi đường đều đi tay không, ban đêm không có trộm cướp, trâu bò chăn thả không phải đem về, chỉ mỗi tháng kiểm soát một lần, hoặc có sinh đẻ cũng không biết là vật của nhà mình. Trong khoảng vài năm, đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên." (35). Không chỉ nói đến sự bình yên và phồn thịnh, mà hình ảnh người đi buôn bán không còn phải lo cướp bóc, cùng với sự phát triển của thương nghiệp và nghề thủ công thời Mạc còn cho thấy nhà Mạc chú trọng bảo vệ và thúc đẩy lưu thông buôn bán. Một số văn bia vào đầu thời Mạc cũng cho thấy triều đình cho sửa chữa các chợ và cầu đường, thí dụ Nguyễn Kiều thị biPhú Cốc kiều bi (36)

Xuất thân từ vùng cửa biển trong giai đoạn giao thương hàng hải bắt đầu phát triển mạnh, các vua nhà Mạc có được lợi thế về tầm nhìn hướng biển, rộng rãi phóng khoáng. Dưới thời nhà Mạc kinh tế công thương được tự do phát triển, sản phẩm do tư nhân làm ra được lưu thông nhiều ra ngoại quốc. Lại có cả những sản phẩm đặc sắc còn lưu lại cho thấy cả tên người chế tác, đó là tư duy mới về sản xuất hàng hóa. Đời sống của dân chúng trở nên phong phú hơn qua nhiều biểu hiện. Tín ngưỡng được tự do khiến Phật giáo và Đạo giáo cùng được phát triển bên cạnh Nho giáo. Văn học phát triển theo hướng đề cập nhiều hơn về các vấn đề của đời sống dân chúng, các thân phận cá nhân, thể hiện qua những tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ.... Vấn đề tiền bạc được đề cập qua Nguyễn Bỉnh Khiêm với cái nhìn bỡ ngỡ và có phần tiêu cực của nhà Nho, cho thấy xã hội đã có tính chất thị trường hơn so với trước. Tất cả đều cho thấy sự cởi mở và thực tế của nhà Mạc. Như vậy, qua những chính sách thúc đẩy lưu thông hàng hóa, nhà Mạc đã khiến cho quy mô của nền kinh tế tăng lên, dân chúng có thêm sinh kế. Đó là những cải cách rất có giá trị đối với đời sống xã hội, chứ không thể nói là nhà Mạc chỉ dựa vào di sản của nhà Lê mà không đề ra gì mới.
Đến nay người ta đã phát hiện tới 179 bia và 3 minh chuông có niên đại nhà Mạc còn tồn tại(37). So sánh với con số vỏn vẹn 7 tấm bia cùng giai đoạn trong khu vực nhà Lê Trung hưng quản lý (38) cho thấy quy mô vượt trội về về các hoạt động văn hóa xã hội lẫn quy mô kinh tế dưới thời nhà Mạc. Nội dung trên các tấm bia cho thấy nhiều công trình được trùng tu hoặc làm mới nhờ sự đóng góp tài sản của giới tư nhân giàu có, trong đó có cả giới công thương nghiệp, đó là những điều mới mẻ so với thời Lê Sơ và các triều trước. Sự khác biệt của tư duy kinh tế dưới triều Mạc so với triều Lê là rõ ràng.

Nhà sử học Phan Huy Chú viết:  "Mạc Đăng Doanh tính khoan hậu giản dị. Ông giữ pháp độ, cấm hà khắc tàn bạo, ít việc tạp dịch, nhẹ thuế khóa. Bấy giờ được mùa, nhà no, người đủ, trong nước gọi thời ấy là trị bình..."(39). Điều này không chỉ chứng tỏ được sự nhân đạo của chế độ mà còn chứng tỏ tính hiệu quả của những chính sách chăm lo đời sống dân chúng vào thời các vua đầu triều Mạc, khiến xã hội sung túc, nghĩa vụ đóng thuế trở nên nhẹ nhàng.

Nhiều ý kiến cho rằng Nhà Mạc chỉ thiết lập được ổn định và thu phục được dân chúng quanh vùng Thằng Long và đồng bằng Bắc Bộ. Điều này cần được xem xét lại.

Ở Thanh Hóa có vài cuộc nổi dậy, trong đó đáng kể nhất là có Lê Ý, lấy niên hiệu Quang Thiệu nhà Lê, khởi binh ở Da Châu vào đầu năm 1530. Toàn Thư cho biết Lê Ý đánh thắng cả đại quân của Mạc Đăng Dung và Mạc Đăng Doanh, có ngày thắng luôn hai trận, chém chết hơn vạn người, xác gối chông lên nhau, không thấy thua trận nào. Tuy nhiên cuối năm đó Lê Ý lại bị một lực lượng nhỏ của nhà Mạc bắt được ở Da Châu, khu vực ngày nay là vùng cực tây bắc của Thanh Hóa, rất xa xôi hẻo lánh. Khó mà không nhận ra sự khuyếch đại của Toàn Thư về phong trào chống nhà Mạc ở Thanh Hóa.
Khu vực Thanh Nghệ có nhiều người ra thi để phục vụ chế độ mới. Trong sanh sách tiến sĩ dưới triều Mạc, có mặt một số vị ở vùng này: Hoàng Khắc Thận (1529),Thanh Hóa; Nguyễn Đĩnh Tú (1532), Thanh Hóa; Phan Cảo (1538), Nghệ An, Nguyễn Thanh (1541), Thanh Hóa; Nguyễn Minh Châu (1541) Nghệ An: An Đôn Phác (1541), Thanh Hóa; Đỗ Phi Tán (1544),Thanh Hóa; Dương Trí Tri (1547), Nghệ An; Phạm Trác (1547), Thanh Hóa (40). Vùng Thanh Nghệ chỉ thuộc về phe Nguyễn Kim sau hơn mười năm Mạc Đăng Dung lên ngôi, nhân cơ hội lực lượng trong nước phải tập trung chuẩn bị đối phó với người Trung Quốc ở phía bắc, sau đó nhà Mạc phải nhân nhượng để cho phe này được giữ bốn phủ ở Thanh Hóa dưới áp lực của nhà Minh, mở đầu cho cục diện phân tranh. Không thể lấy cục diện phân tranh về sau để bác bỏ sự thống nhất và ổn định đất nước giai đoạn đầu triều Mạc.

Khu vực Thuận Quảng vốn bất ổn cuối thời Lê, đến thời Mạc đã được trở lại khá yên ổn đến hàng chục năm. Cảnh yên bình được thể hiện trong sách Ô Châu Cận Lục do Dương Văn An, một trí thức người Thuận Hóa thi đậu tiến sĩ dưới triều Mạc vào năm 1547 viết: Tháng tư tháng năm thì để lúa ngoài ruộng quá kì chưa thu về. Tháng sáu, tháng bảy thì thả trâu ngoài đồng, cả tuần không cần chăn dắt"(41)
Nhà Mạc chưa thu phục được xứ Đại Đồng ở Tuyên Quang. Khu vực này do Vũ Nghiêm Uy chiếm được của một tù trưởng dân tộc thiểu số và đã chống lại triều đình từ thời nhà Lê. Vũ Nghiêm Uy lúc đó đang cố thủ, cầu cứu và chờ đợi nhà Minh can thiệp. Thực tế trong lịch sử Việt Nam vẫn thường xảy ra tình trạng bất phục chính quyền trung ương ở một vài khu vực nhỏ, nhất là vùng dân tộc thiểu số. Lấy việc đó để phủ nhận tư cách quản lý đất nước của một triều đại là điều khiên cưỡng.

Như vậy, sự xuất hiện của nhà Mạc trên dòng chảy lịch sử Việt Nam hội được những yếu tố quan trọng để đánh giá là tích cực: đáp ứng mong muốn của dân chúng, có kế thừa, có đổi mới, có thành quả tiến bộ.

Triều đại nhà Mạc kéo dài khoảng hai phần ba thế kỷ 16, khoảng thời gian giao thương hàng hải thế giới có những bước tiến đáng kể. Trong nước thì có sự cởi mở về kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng. Chính quyền lại chú trọng về hoạt động đường biển (42). Đó là những điều kiện thuận lợi cho mở rộng tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Sau sự thất bại của triều Mạc, hướng phát triển đó dưới chính quyền mới đã phần nhiều bị hạn chế.


III. Vài ý kiến trong vấn đề giáo dục về lịch sử nhà Mạc hiện nay

Những nghiên cứu và phát hiện về thời kỳ nhà Mạc vẫn không ngừng được bổ sung cùng với đó là sự tiến bộ về nhận thức chung của xã hội khiến những thành kiến cũ có phần được gỡ bỏ. Theo lẽ tự nhiên, sự nhìn nhận về nhà Mạc sẽ thay đổi theo hướng tích cực hơn. Tuy vậy, trên thực tế không hẳn luôn như thế.

Bản dịch sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ủy Ban Khoa Học Xã Hội, ra đời từ năm 1985, hiện nay được quy định là bản dịch chính thức, cơ sở cho các tham khảo, nghiên cứu, trích dẫn, phần do Hoàng Văn Lâu dịch, Hà Văn Tấn hiệu đính, đã cố ý dịch sai đoạn nói về sự lên ngôi của Mạc Đăng Dung.

Nguyên tác trên MỘC BẢN KHẮC NĂM CHÍNH HOÀ THỨ 18 (1697), Kỷ nhà Lê, phần Cung Hoàng đế, tờ 67b chép là時 國 中 臣 民 咸 属 莫 登 庸 俱 迎 入 
Phiên âm là: Thời quốc trung thần dân hàm thuộc Mạc Đăng Dung, cụ nghinh nhập kinh.
H dịch ra quốc ngữ là: Bấy giờ, thần dân trong Kinh đều theo Mạc Đăng Dung và đều đón Đăng Dung vào Kinh.
Rõ ràng quốc trung tức là trong nước, sao lại dịch là trong Kinh được. Những người dịch sau vì lí do gì lại tùy tiện sửa cả chữ nghĩa trên nguyên tác. Bản trước đây do Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính đã dịch đúng là trong nước
Câu của Toàn Thư rất rõ nghĩa. Đó là: dân chúng trong nước đều theo Mạc Đăng Dung, ông đi vào kinh thành để lên làm vua thì người dân đều ra đón. 

Có lẽ nhiều người khó hiểu tại sao sử gia thời Lê Trịnh lại dám chép như thế. Điều này có thể giải thích là vì thực tế thời điểm Mạc Đăng Dung lên ngôi không có phản ứng chống lại nào đáng kể, cũng như sau hơn 100 năm, khi người ta biên soạn phần sử này, thì ký ức xã hội về việc dân chúng đông đảo ủng hộ nhà Mạc và về một thời kỳ thái bình mà triều đại này đã tạo lập được vẫn còn sâu đậm. Suốt nhiều thế kỷ về sau, dưới lập trường thù địch của chế độ, những người viết sử gia công bôi nhọ nhà Mạc, việc đó ảnh hưởng đến nhận thức của đại chúng.

Quy tắc tối thiểu về học thuật trong việc dịch các tư liệu là phải tôn trọng nguyên tác. Nếu dịch giả có chỗ không đồng ý thì có thể ghi chú, diễn giải thêm theo ý mình, chứ không thể ngang nhiên sửa ý của nguyên tác. Nếu cảm thấy nghiêm trọng, cần phải sửa luôn ở phần dịch, thì dịch giả cần thông báo và giải thích lý do, chứ không thể làm việc đó một cách bất minh. Với công trình dịch thuật sử dụng nguồn lực và vị thế của quốc gia này, hành vi xuyên tạc đó không chỉ bất minh và coi thường độc giả mà còn vi phạm pháp luật.

Khi nói rằng thần dân trong nước đều theo thì sự lên ngôi của Mạc Đăng Dung sẽ được coi là chính đáng, đặc biệt với cái nhìn của thời đại ngày nay thì đó là điều không thể tranh cãi. Như vậy, có thể thấy rõ ý đồ của người dịch là muốn phủ nhận sự ra đời chính đáng của một triều đại. Tuyệt đại đa số người Việt hiện nay và về sau sẽ hiểu sai về bối cảnh lịch sử bởi bản dịch này, nếu không kịp thời sửa chữa.


Sách giáo khoa Lịch sử lớp 7 hiện hành, nay đã tái bản 17 lần, do Nghiêm Đình Vỳ chủ biên, các tác giả là Đinh Ngọc Bảo, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh, Nguyễn Phan Quang, chép về một số sự kiện thay đổi triều đại như sau:
"Trước tình thế hiểm nghèo, tướng lĩnh và quân đội đồng lòng suy tôn Lê Hoàn lên làm vua để chỉ huy kháng chiến"
"Triều thần chán ghét nhà Lê, vì vậy các tăng sư và đại thần, đứng đầu là sư Vạn Hạnh, Đào Cam Mộc tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua"
"họ Trần buộc Chiêu Hoàng (vua cuối cùng của nhà Lý) phải nhường ngôi cho Trần Cảnh"
"Sau vụ một số quý tộc nhà Trần mưu giết Hồ Qúy Ly không thành (1399), năm 1400, ông phế truất vua Trần và lên làm vua".
"Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập ra triều Mạc"

Có thể thấy rõ khi nói về sự kiện lên ngôi của nhà Mạc các tác giả sách giáo khoa đã sử dụng từ cướp nặng tính chỉ trích nhất, trong khi chi tiết cốt yếu nhất là có được sự ủng hộ của dân chúng thì lại bị bỏ qua. Bối cảnh lên ngôi của Mạc Đăng Dung, theo ghi nhận của Toàn Thư thì không những dân chúng đều ra đường đón (hẳn là đã có loan báo rộng rãi), mà quan lại triều Lê cũng đứng vào ban chầu để chờ đón vua mới. Đây là cuộc thay đổi triều đại một cách quang minh chính đại và được sự đồng thuận xã hội rất cao.
Không khó để nhận ra sự ghi nhận trên sách giáo khoa là đứng trên lập trường của phe bị mất quyền lợi, đã trở thành đối kháng với nhân dân. Sách giáo khoa đã thể hiện tính chủ quan, phản tiến bộ khi nói về sự ra đời của nhà Mạc. 

Vấn đề này từng được một số người có ý kiến với cơ quan hữu trách. Câu trả lời nhận được là người ta chép theo sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, có văn bản nào phủ nhận được cuốn sử đó không?
Nói theo cách đó thì nhận thức xã hội không cần phải vận động và tiến bộ, chúng ta cứ theo cách nhìn nhận lịch sử lấy chế độ Lê Trịnh làm trung tâm chứ không phải lấy chúng ta làm trung tâm, chúng ta không có nhu cầu đổi mới nhận thức! Tất nhiên trả lời đó là sự ngụy biện, bởi thực tế có rất nhiều vấn đề lịch sử mà thời nay đã có cách nhìn nhận khác rồi.
Cách ghi nhận về sự lên ngôi của nhà Mạc như trên có phải là quan điểm của quốc gia hiện nay, hay nội dung này bị thao túng bởi những người biên soạn hoặc lý do nào khác?

Qua hai sự việc trên, có thể nói rằng những quán tính trong nhận thức chung, cùng với tình trạng đặt nặng cảm tính và coi nhẹ tinh thần khoa học trong địa hạt sử học vẫn là những rào cản lớn trong việc nhìn nhận một cách công bằng về Mạc Đăng Dung và nhà Mạc. 



Nguồn tham khảo, trích dẫn, chú thích: 

1.  Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch Cao Huy Giu, Đào Duy Anh hiệu đính và khảo chứng, Nxb Thời Đại, xb 2013, trang 764, 765.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, trang  823
3.  Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử , bản dịch Ngô Thế Long, Nxb Trẻ, xb2012, tr64
4. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, trang  527
5.  Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Bản dịch Phạm Trọng Điềm, Nxb Trẻ, 2013, T1, trang 141  mô tả nội dung về ba vòng của kỳ thi võ thời Lê trung hưng, từ năm 1724. Tuy tài liệu này không nói rõ là đây có phải là nội dung thi võ có từ thời Lê sơ hay không, nhưng có các yếu tố để có thể suy luận ra nội dung đó đã có từ trước. Một là phép thi của nhà nhà Tống là thời đại đã có trước nhà Lê khá lâu, đã có nội dung trong võ kinh, bên ta thường phỏng theo phép thi của Trung Quốc, hai là ngày từ đầu nhà Lê đã có yêu cầu khảo về võ kinh và pháp lệnh kỳ thư, như vậy thì hình thức thi tuyển võ quan của Trung Quốc đã du nhập vào nước ta muộn nhất cũng phải vào đầu triều Lê. Có thể vì thiếu nguồn tra cứu nên Lê Qúy Đôn không đề cập chi tiết về kỳ thi võ trước năm1724, chính ông cũng ghi nhận việc thiếu tư liệu khi đề cập kỳ thi võ dưới triều Trần Thánh Tông "tuyển trong họ tôn thất lấy người am thông nghề võ để quản lãnh quân lính, không thấy chép thể thức thi tuyển như thế nào", (trang 139, sđd).
6.  Đại Việt sử ký toàn thư (MỘC BẢN KHẮC NĂM CHÍNH HOÀ THỨ 18 (1697): “Phụ Mạc Đăng Dung [Tiếm vị tam niên tiếm truy xưng tôn hiệu vi Thái Tông Đăng Dung Nghi Dương, Cổ Trai nhân, sơ dĩ ngư vi nghiệp, cập trưởng hữu cữu lực, khảo trúng lực sĩ xuất thân.” 
7..Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch Cao Huy Giu, Đào Duy Anh hiệu đính và khảo chứng, Sdd, trang  800,801
8. Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử , sđd, tr64
9.  Đại Việt sử ký toàn thưSđd, trang 803 
10. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, trang 799
11. Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử , sđd, tr69
12. Đại Việt sử ký toàn thưSđd, trang 808
13. Đại Việt sử ký toàn thưSđd, trang 810
14. Đại Việt sử ký toàn thưSđd, trang 812
15. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, trang 737 .
16. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, trang 734
17. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, trang 526: "ruộng đất của quan ty ngạch cũ, của các thế gia triều trước, của nhân dân tuyệt tự, cùng là ruộng đất của ngụy quan, của lính trốn, các hạng vật theo mùa đều phải kê đủ số, hạn đến tháng 4 sang năm dâng nộp" 
18. Lịch sử Việt Nam, Phan Huy Lê (cb), Nguyễn Thừa Hỷ, Nguyễn Quang Ngọc, Nguyễn Hải Kế, Vũ Văn Quân, Nxb GDVN, tập 2, trang 147
19. Lịch sử Việt Nam, Phan Huy Lê (cb), Nguyễn Thừa Hỷ, Nguyễn Quang Ngọc, Nguyễn Hải Kế, Vũ Văn Quân, Nxb GDVN, tập 2, trang 154,155
20.  Đại Việt sử ký toàn thưSđdtrang 805
21.  Đại Việt sử ký toàn thưSđdtrang 813
22.  Đại Việt sử ký toàn thưSđd, trang 779
23.  Đại Việt sử ký toàn thưSđd, trang 798
24.  Đại Việt sử ký toàn thưSđd, trang 819,820
25.  Đại Việt sử ký toàn thư,Sđd, trang 822
26. http://hobuivietnam.com.vn/dong-ho-bui-thu-chan
27. Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, sđd, tr83
28.  Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Hữu Mùi, Các nhà khoa bảng Việt Nam , nxb Văn Học, tr251. Các tác giả tổng hợp dựa trên các sách Đăng khoa lục thời xưa. Tuy nhiên chi tiết các Mạc Đăng Dung ra lệnh cho Trương Phu Duyệt thảo chiếu và ông này quắc mắt nhìn Mạc Đăng Dung là không đúng theo ghi chép trên Toàn Thư, theo đó thì các quan bảo vị Lại bộ thượng thư này thảo chiếu trong lúc cùng đứng ở ban chầu để chờ đón Mạc Đăng Dung vào điện. Xu hướng bịa sử để bôi nhọ nhà Mạc là khá phổ biến dưới các chế độ có sự thù địch với triều đại này.
29.  Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Hữu Mùi, Các nhà khoa bảng Việt Nam , sđd. Tên tuổi và hành trạng của các vị trên có thể được tra cứu ở phần BẢNG TRA HỌ TÊN CÁC NHÀ KHOA BẢNG VIỆT NAM ở cuối sách.
30. Đinh Khắc Thuân, Văn khắc hán nôm thời Mạc, Nxb Khoa Học Xã Hội, 2017, tr28
31. Đại Việt sử ký toàn thưSđd, tr738,752,790 
32. Đinh Khắc Thuân, Văn khắc hán nôm thời Mạc, sđd, tr49
33. Đại Việt sử ký toàn thưSđd, tr 825
34. Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử , sđd, tr87
35. Đại Việt sử ký toàn thưSđd, tr8829
36. Đinh Khắc Thuân, Văn khắc hán nôm thời Mạc, sđd, tr40,396
37. Đinh Khắc Thuân, Văn khắc hán nôm thời Mạc, tr18
38. Đinh Khắc Thuân, Vương triều Mạc với sự nghiệp canh tân đất nước, NxbCTQG,2015,trang 428. 
39. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Nxb Sử học, H. 1960, tập 1, tr. 180.
40.  Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Hữu Mùi, Các nhà khoa bảng Việt Nam , sđd 
41. Dương Văn An, Ô Châu Cận Lục, bản dịch Nguyễn Khắc Thuần, Nxb Giáo Dục Việt Nam, 2009, tr41. Nhận xét ở trên là của nhà nghiên cứu Đinh Khắc Thuân.
42. Cùng với những ghi nhận về sự phát triển xuất khẩu hàng thủ công nghiệp dưới thời nhà Mạc thì còn có những ghi nhận về lực lượng tàu thuyền của nhà Mạc rất lớn. Thí dụ, tháng 8 năm 1570 nhà Mạc huy động đến 700 chiếc thuyền theo đường biển đi vào Thanh Hóa. Đây có lẽ là một sự kiện huy động thủy quân lớn nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, điều này nói lên ý thức và năng lực phát triển hàng hải dưới triều Mạc là rất cao.